Tổng thống Barack Obama cũng cảnh báo, ô nhiễm carbon đang khiến đại dương trên thế giới bị axit hóa nhiều hơn và điều này đang đe dọa đời sống của sinh vật biển. Đồng thời cho biết, 20% lượng cá biển bị đánh bắt mỗi năm trôi nổi trên thị trường chợ đen, đã gây thiệt hại 23 tỉ USD cho công nghiệp nghề cá. Trước đó, tại cuộc họp “Đại dương của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, 1/3 trữ lượng hải sản hiện đang bị khai thác quá mức và thế giới đã có khoảng 500 vùng biển được xác định là biển chết. Cuộc họp “Đại dương của chúng ta” có sự tham gia của hơn 400 người đến từ 80 quốc gia và đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức một chương trình với mục tiêu thiết lập chiến lược toàn cầu và toàn diện để bảo vệ đại dương. Ngoại trưởng John Kerry coi bảo vệ đại dương là vấn đề an ninh toàn cầu bởi nó liên quan đến kế sinh nhai, khả năng con người tồn tại và sinh sống.
Tăng cường khả năng răn đe
Ngày 17/06, Hãng GMA News (Philippines) cho biết, trong tham luận tại cuộc hội thảo thường niên lần thứ 5 của Hội Luật quốc tế Nhật Bản tại Đại học Chuo ở Tokyo (Nhật Bản) hôm 15/06, Giáo sư Harry Roque Jr., Giám đốc Viện Nghiên cứu pháp lý quốc tế thuộc Trung tâm Luật của Đại học Philippines khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi từ chối tham gia vụ kiện của Manila ở Tòa án Trọng tài quốc tế và với hành động cải tạo các đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngày 16/06, tờ The New York Times cảnh báo, việc Trung Quốc tiến hành xây dựng (bất hợp pháp) trên một số bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là một trong những nỗ lực mới nhất nhằm mở rộng sự hiện diện của họ ở Biển Đông, sau khi tạo ra những đảo nhân tạo chúng sẽ mọc lên những công trình kiên cố làm nơi đồn trú và lắp đặt các thiết bị giám sát, bao gồm radar. Và sau khi tạo ra các đảo mới, Trung Quốc sẽ đơn phương tuyên bố về một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Theo nhận định của chuyên gia Taylor Fravel, nhà khoa học chính trị thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ: Bằng cách tạo ra sự xuất hiện của một hòn đảo, Trung Quốc có thể đang tìm cách tăng cường giá trị cho tuyên bố của họ. Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng và việc này đang làm gia tăng căng thẳng bởi những động thái tại Biển Đông không phải hoạt động đơn lẻ, mà là một kế hoạch hoàn chỉnh nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý) của Bắc Kinh.
Ngày 15/06, mạng tin tức Nhật Bản (Japan News Network) cho biết, Tokyo có kế hoạch đưa các hệ thống tên lửa đối hạm Type 12 hiện đại nhất của Nhật Bản tới các đơn vị gần hòn đảo Kyushu vào năm 2016, nhằm đối phó với khả năng Trung Quốc tăng cường khiêu khích trên biển Hoa Đông. Để tăng cường kiểm soát đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo đã hoàn thành triển khai tên lửa đất đối hạm ở đảo Miyako. Nhật Bản cũng có kế hoạch triển khai tên lửa đất đối hạm kiểu mới ở tỉnh Kumamoto vào năm 2016 (theo dõi tuyến đường eo biển Miyako). Ngày 16/06, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hoàn thành triển khai tên lửa ở đảo Miyako và dự kiến triển khai lực lượng cảnh giới ở đây khoảng 350-400 người, để đề phòng Trung Quốc phát động tấn công vũ trang đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera
Cũng trong ngày 15/06, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng trên trang mạng chính thức của họ về việc triệu Tùy viên quân sự Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh để phản đối “sự cố” giữa máy bay chiến đấu của hai nước trên biển Hoa Đông. Theo Hãng AFP, đây là hành động hiếm thấy của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đưa ra 2 văn bản phản đối chính thức trong 2 ngày liền với kêu gọi Nhật Bản ngưng việc đưa ra “các cáo buộc sai trái” đối với quân đội Trung Quốc. Cũng trong thời điểm này, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các đoạn video khỏi trang chủ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì nó không đúng sự thật.
Thêm dầu vào lửa
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Diplomat hôm 16/06, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã vạch rõ bản chất phi nghĩa của Trung Quốc trong việc gửi thông báo về vụ giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 09/06. Bởi ngày 10-6, Trung Quốc đã thẳng thừng phản đối LHQ làm trung gian hòa giải căng thẳng với Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer coi đây là nước cờ thực hiện chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý trong thuyết “chiến tranh 3 mặt trận” được Trung Quốc chính thức thông qua năm 2003. Đồng thời cho rằng, Mỹ và Australia nên hối thúc một cuộc phản biện tại Hội đồng Bảo an LHQ về thông báo đánh lừa dư luận của Trung Quốc với sự tham gia của Nhật Bản và các cường quốc khác liên quan tới Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang xuyên tạc Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga
Chuyên gia Timothy Walton đến từ Viện Nghiên cứu - Phân tích và Tư vấn Delex (Australia) cũng coi việc Trung Quốc gửi thông báo về vụ giàn khoan HD-981 lên LHQ là nước cờ thực hiện cả chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý. Theo giới truyền thông, không những cấp tập hiện đại hóa hải quân, Philippines còn tăng cường năng lực tuần tra để ứng phó với những mối đe dọa trong khu vực. Tính đến tháng 02/2014, Manila đã chi hơn 120 triệu USD để tân trang 2 tàu tuần duyên lớp Hamilton nhận từ Mỹ và sắm 3 trực thăng AgustaWestland AW-109 do Italia sản xuất. Philippines cũng muốn mua thêm tàu tuần duyên lớp Hamilton (thứ 3) sau khi chuyển đổi 2 chiếc kể trên thành tàu chiến lớn nhất của hải quân nước này. Dự kiến từ 2014 đến 2016, Hải quân Philippines sẽ được cấp thêm 145 triệu USD để sắm khí tài quân sự, trong đó có 12-20 tàu đổ bộ. Ngoài ra, Manila đang chi 11,4 triệu USD để nâng cấp cơ sở hải quân trên Vịnh Ulugan, nằm ở phía tây đảo Palawan. Sau khi được nâng cấp, Ulugan sẽ trở thành căn cứ hải quân lớn của Philippines, có cầu cảng cùng các cơ sở khác, có thể phục vụ tàu hải quân cỡ lớn.
Ngày 16/06, Đài NHK cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố chiến lược phát triển vũ khí cùng những quy định mới cho phép các công ty trong nước xuất khẩu vũ khí. Trước đó (tháng 4), nội các Nhật Bản đã thông qua 3 nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng, giúp dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho nước ngoài kéo dài gần 50 năm qua. Giới bình luận cho rằng, cùng với việc thực hiện những hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng, Trung Quốc cũng tăng cường các lập luận đằng sau "đường lưỡi bò" gây tranh cãi ở Biển Đông, bất chấp việc một số chuyên gia Trung Quốc cảnh báo: “đường lưỡi bò” sẽ không tìm được chỗ dựa từ UNCLOS.
“Thùng thuốc súng”
Theo Hãng AP, tối 17/06, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố, Manila muốn tòa án quốc tế nhanh chóng đưa ra phán quyết đối với đơn kiện liên quan tới những nghi ngờ về tính hợp pháp trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines hy vọng tòa sẽ ra phán quyết trong năm tới vì "tình hình đang xấu đi mỗi ngày trên Biển Đông". Cũng trong ngày 17/06, tờ Inquirer (Philippines) cho biết, Trung Quốc đã bác bỏ sáng kiến giảm căng thẳng ở Biển Đông do ông Albert del Rosario đưa ra hôm 16/06. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngang ngược cho rằng, việc xây dựng trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là hợp pháp nên không có vấn đề gì phải cần tới nhất trí với ASEAN!?
Ngày 16/06, khi trả lời Đài Truyền hình ABS-CBN, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết, Manila sẽ chính thức đề nghị ASEAN kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông nhất trí về một thỏa thuận đình hoãn. Ông Albert del Rosario coi đây là cách giải quyết hợp lý vì giải quyết tranh chấp hàng hải luôn cần 2 yếu tố: xử lý căng thẳng và giải quyết bản thân tranh chấp. Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng, Trung Quốc đang tăng tốc mở rộng các hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông trước khi ASEAN và Bắc Kinh có thể xây dựng xong COC. Manila cho rằng, Bắc Kinh đang theo đuổi chiến thuật ngoại giao pháo hạm và thông thường những gì đang xảy ra với Việt Nam hiện nay, cũng sẽ xảy ra với Philippines.
Ngày 16/06, Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội công bố “Sách Xanh năng lượng thế giới: Báo cáo phát triển năng lượng thế giới (2014)” tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Sách Xanh chỉ rõ, cả hiện tại và tương lai, Trung Quốc đều đối mặt với thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng. Và vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở mâu thuẫn nổi bật giữa cung ứng năng lượng và mô hình phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Để có thể ứng phó với sự biến đổi cơ cấu năng lượng thế giới, Sách Xanh đề xuất: Trung Quốc phải tích cực thúc đẩy ngoại giao xung quanh, dựa vào bố cục chiến lược “một con đường một vành đai” (vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI) để xây dựng trọng điểm năng lượng của Trung Quốc, từng bước tăng cường hợp tác chiến lược với Nga và các nước vùng biển Caspian. Ngoài ra, Trung Quốc cần nâng cao vị trí trên thị trường năng lượng thế giới, đồng thời tăng cường giám sát quản lý tài chính năng lượng, giảm thiểu những biến động giá dầu quốc tế…
Nhật Bản tiến hành tập trận tên lửa đất đối hạm
Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, Bắc Kinh tiếp tục di chuyển giàn khoan Nam Hải 9 từ tọa độ 17038’ vĩ Bắc, 110012’3” kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17014’1” vĩ Bắc, 109031’ kinh Đông trên Biển Đông từ 18 đến 20/06. Giàn khoan này là loại nửa chìm nửa nổi, thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Liệu có giữ được trung lập
Ngoại trưởng Singapore Shanmugam cho rằng, lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông đã có một "thay đổi quan trọng" khi thừa nhận vấn đề Biển Đông với Việt Nam phải được giải quyết theo UNCLOS (dựa trên văn bản Trung Quốc gửi lên LHQ hôm 09/06). Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng, Trung Quốc đang có những dấu hiệu gây xung đột ở Biển Đông thông qua các hành động khiêu khích có chủ ý.
Ngày 18/06, tờ Global Nation đưa tin, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ hội đàm tại Tokyo vào ngày 24/06. Theo Đài NHK, những hành động gây lo ngại và căng thẳng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ được 2 nhà lãnh đạo thảo luận tại cuộc gặp lần này. Giới truyền thông cho rằng, ông Benigno Aquino cũng sẽ thảo luận về việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng một số bãi cát ngầm gần quần đảo Trường Sa.
Ngày 16/06, Hãng Kyodo dẫn lời Chỉ huy Lực lượng tác chiến của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Mark Montgomery cho rằng, các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông nên giải quyết bằng đường ngoại giao rõ ràng giữa các nước liên quan, cũng như theo quy định của luật pháp do Tòa án Quốc tế phân định. Chuẩn đô đốc Mark Montgomery khuyến nghị, cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp lãnh hải Trung-Việt về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thông qua luật pháp, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và sự minh bạch của tất cả các bên.
Ngày 14/06, Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đăng bài của ông Arif Havas Oegroseno, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và Liên minh châu Âu cho rằng, trong tình hình căng thẳng ở Biển Đông, hiệp định phân định ranh giới biển Indonesia - Philippines mới ký kết có thể là kinh nghiệm tham khảo tốt. Bởi đây là 2 quốc gia quần đảo lớn nhất nhì thế giới và đều là thành viên của UNCLOS. Đồng thời nhấn mạnh, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông vẽ từ thập niên 1940 phải được điều chỉnh để phù hợp với UNCLOS và các bên tranh chấp cần hợp tác vì lợi ích bảo vệ môi trường biển và bảo đảm an ninh biển.
Trong bài viết “Trung Quốc từng bước chiếm đoạt Biển Đông”, nhà báo Đức Johnny Erling cho rằng, chiêu trò mới nhất của Bắc Kinh trong việc từng bước độc chiếm Biển Đông là xây đảo nhân tạo nhằm hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền phi lý của mình. Còn khi viết bài trên Tạp chí Diplomat (Nhật Bản), chuyên gia Michael Mazza thuộc Học viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, những hành động khiêu khích và liều lĩnh gần đây ở Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc nằm trong chiến lược kiểm soát và thay đổi quy tắc hành xử tại những vùng biển xung quanh cũng như không phận quốc tế. Ngày 17-6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, 9 ngư dân Trung Quốc bị tạm giam trong một nhà tù ở ngoại ô Puerto Princesa trên đảo Palawan sẽ phải đối mặt với 20 năm tù tại Philippines vì tội săn bắt rùa biển bất hợp pháp dọc bờ biển Philippines. Cảnh sát Philippines cho biết, những ngư dân này đã sử dụng tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với Manila ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) như 1 thủ đoạn để tránh bị truy tố.
|
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo Petrotimes