Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva lớp Slava của Nga
Đáng lưu ý, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đã nhắc tới việc kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen đã rời Singapore sau khi tiến hành một cuộc tập trận phòng không với "tên lửa, pháo, ngư lôi và các loại vũ khí" tại một khu vực không xác định ở Biển Đông trong vài ngày qua.
Trước đó, cũng theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, chiến hạm Moskva đã rời căn cứ hải quân Nga tại Sevastapol, Crimea (Nga), vào ngày 06/09 và ghé cảng ở Hy Lạp vào cuối tháng 9, trước khi quá cảnh qua kênh đào Suez vào giữa tháng 10.
Hiện chưa rõ chiến hạm Moskva có ghé thăm căn cứ hải quân Nga ở Tarus, Syria hay không, nhưng sau khi đi qua kênh đào Suez, chiến hạm này đã tới Colombo, Sri Lanka vào ngày 23/10 và tiếp tục hành trình đến Singapore.
Theo AP, việc kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen (Nga) có tập trận chung với lực lượng hải quân nước nào ở Biển Đông hay không cũng không rõ ràng. Nga có quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đã từng tập trận chung với Trung Quốc. Về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Nga được cho là khá kín kẽ trong bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý khác là cuộc tập trận của tàu chiến Nga trên Biển Đông diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Putin và dự kiến, tại đây, 2 bên sẽ ký kết một thỏa thuận song phương về an ninh mạng.
Tuy nhiên, dù mục đích Nga triển khai tập trận ở Biển Đông là thế nào thì đây cũng là một động thái hiếm hoi về sự hiện diện của Moskva ở khu vực có nhiều tranh chấp “nóng” này.
Linh Phương
Theo Petrotimes