Bà Merkel (phải) và ông Putin đang căng thẳng - Ảnh: Reuters
|
Căng thẳng giữa Nga và các nước châu Âu vẫn đang leo thang. Mọi chuyện bắt nguồn từ sự bất ổn tại miền đông Ukraine, nơi Nga được cho đã cung cấp vũ khí và con người cho phe nổi dậy chống chính quyền. Có hay không một cuộc “chiến tranh lạnh” mới, khi EU tuyên bố sẽ trừng phạt Nga? Chỉ biết rằng, tình hình lúc này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Đức – một thành viên cứng rắn nhất trong quan điểm về Nga-Ukraine, Reuters nhận định trong bài viết ngày 25/11.
Ông Putin quá “lạnh lùng”
Hãng tin Reuters cho biết sau 9 tháng nỗ lực ngoại giao theo hướng mềm mỏng với Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết tâm thay đổi chiến lược vào giữa tháng 11 này.
Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Brisbane (Úc) vừa qua, bà Merkel đã có buổi gặp gỡ riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Reuters, đó là một cuộc gặp khác thường, không trợ lý, không phiên dịch, chỉ là cuộc nói chuyện của 2 người.
Không rõ cuộc nói chuyện ấy là gì, chỉ biết rằng thay vì nghe những “lời hứa suống từ Putin”, bà Merkel hỏi thẳng ông Putin muốn gì ở Ukraine.
Ông Putin đang có kế hoạch truyền thông, tranh thủ sự ủng hộ tại châu Âu - Ảnh: Reuters
|
Ngày 15/11, bà Merkel được hiểu cũng đã tham gia buổi nói chuyện kéo dài 4 tiếng với ông Putin tại Brisbane (bang Queensland, Úc). Lần này, Reuters mô tả đó là màn trao đổi cực kỳ nghiêm túc, với sự tham gia của tân chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Có điều, những gì họ nhận lại từ ông Putin là thái độ trốn tránh, từ chối vốn đã kéo dài từ trước. “Ông ấy tỏa ra nét lạnh lùng. Ông ấy càng lúc càng đi quá xa mà không nhận ra điều ấy”, một quan chức nói với Reuters.
Đức chống chọi và chờ đợi
Các quan chức Đức thừa nhận hiện tại họ đã phải thu hẹp phạm vi quan tâm của mình. Thay vì tập trung giải quyết chuyện EU và Nga xung quanh Ukraine, Đức sẽ đối mặt 3 vấn đề chính.
Thứ nhất tại Kiev, nơi Đức phải cố gắng đảm bảo không có sự bất hòa của Tổng thống Petro Poroshenko và thủ tướng Arseny Yatseniuk. Nếu hai người này còn mâu thuẫn, Ukraine sẽ gặp trở ngại về việc cải cách kinh tế, chống tham nhũng và sẽ không thể khiến các nước phương Tây còn lại đồng ý viện trợ.
Thêm nữa, nếu họ tái lập hình ảnh của bộ đôi lãnh đạo cũ Viktor Yushchenko và Yulia Tymoschenko, đó là điều thuận lợi cho những gì ông Putin tính toán.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin - Ảnh: Reuters
|
Thứ hai, bản thân Đức đang phải đấu với... chính mình. Ông Putin được cho đã thực hiện “chiến dịch truyền thông khổng lồ” để thuyết phục nhóm các đảng đối lập thân Nga ở khắp châu Âu phá bỏ thế gọng kìm do Mỹ và Đức dựng lên kìm hãm Nga.
Trong tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukaev đang tổ chức cuộc gặp gỡ các doanh nhân thân Nga ở Stuttgart, trung tâm công nghiệp Đức.
Ngoài ra, Reuters cho biết Nga đang tiếp cận với Hungary và Bulgaria, cũng như các quốc gia Balkan, cũng như tranh thủ ủng hộ các đảng đối lập cánh hữu ở châu Âu. Mặt trận Quốc gia Pháp khẳng định vào cuối tuần họ đã được vay 9 triệu euro từ một ngân hàng Moskva.
Nếu Nga thành công, họ sẽ dồn Đức vào chân tường ở mặt trận thứ 3: EU. Lệnh trừng phạt dành cho Nga sẽ hết hạn vào tháng 3 năm sau. Theo ghi nhận của quan chức Đức đến lúc này, Hungary, Ý và Slovakia là những nước không sẵn sàng gia hạn lệnh trừng phạt ấy.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, trong đó Nga sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có của mình", Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Đức và là thành viên của đảng bảo thủ của bà Merkel, nói với Reuters.
"Chúng tôi cơ bản đang chờ đợi," một quan chức Đức giấu tên nói. "Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục để mắt đến miền đông Ukraine và chuẩn bị phản ứng khi cần”.
Nhật Đăng
Theo TNO