|
Người lao động Mỹ với tấm biển mang dòng chữ: “Không sống nổi với 7,25 USD”. Mức lương tối thiểu theo quy định liên bang ở Mỹ hiện là 7,25 USD/giờ - Ảnh: nbcnews.com |
Báo cáo Global Economic Prospects (Dự báo kinh tế toàn cầu) của WB nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ chỉ ở mức 3%, thay vì 3,4% như trong báo cáo công bố giữa năm ngoái.
Đến năm 2016, kinh tế toàn cầu dự báo cũng sẽ chỉ tăng 3,3% so với mức kỳ vọng 3,5% đưa ra lần trước và năm tiếp thậm chí còn thấp hơn, khoảng 3,2%.
Báo cáo cho biết viễn cảnh u ám của kinh tế khu vực đồng euro, Nhật Bản và một số nền kinh tế là nguyên nhân kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang ở giai đoạn trì trệ hơn mong đợi kể từ giai đoạn khủng hoảng 2007-2009.
“Kinh tế toàn cầu đang vận hành dựa vào một động cơ duy nhất: nước Mỹ. Điều này không thể vẽ nên một viễn cảnh lạc quan” - Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB.
Ông Basu nhận định xu hướng giảm của giá dầu sẽ kéo dài trong năm 2015, góp phần làm giảm lạm phát toàn cầu và giúp các nước giàu giữ mức lãi suất thấp thêm một thời gian. Giá dầu giảm sẽ góp phần đẩy kinh tế toàn cầu tăng thêm 0,1% trong năm 2015.
Ngoài ra, giá dầu cũng sẽ “mở cánh cửa cơ hội cho các nước nhập khẩu dầu như Trung Quốc và Ấn Độ”, theo ông Basu. Tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2016 dự kiến sẽ đạt 7% và bắt kịp Trung Quốc vào năm tiếp theo. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới, tăng trưởng 6,9% vào năm 2017 so với mức 7% của năm 2014.
Các nước khác như Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi có thể tận dụng sự sụt giảm giá dầu để cắt lạm phát và giảm thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, việc giá dầu giảm liên tục sẽ tác động nặng nề lên tăng trưởng của một số nước xuất khẩu dầu như Nga. WB dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 2,9% trong năm nay trước khi tăng trưởng ở mức 0,1% trong năm 2017.
Trái với các nước giàu, nhóm các nước đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, tăng so với 4,4% của năm ngoái và nhảy vọt lên 5,3% trong năm 2017 nhờ các yếu tố thuận lợi từ giá dầu giảm, kinh tế Mỹ phục hồi và lãi suất toàn cầu thấp.
WB cho biết đà phát triển của các nước mới nổi là một động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong năm 2015.