Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel
Theo BBC, ông Russel cũng nói thêm rằng, Mỹ muốn các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữ nguyên hiện trạng, tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề này trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Thông điệp của chúng tôi là bất cứ nước nào cũng không nên làm điều mà họ không muốn nước khác làm với mình”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ông Russel hiện đang có chuyến ở Thái Lan trong khuôn khổ chuyến công du một loạt nước châu Á, bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines và Campuchia.
Trước đó, tại Philippines và Malaysia – hai nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến tình hình tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này. Ông Russel khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo trái phép một số đảo, đá ở Biển Đông trong thời gian gần đây không chỉ là vấn đề gây quan ngại cho Philippines, cho Mỹ mà còn với cả 10 nước thành viên ASEAN, cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế, thông qua các biện pháp hòa bình và ngoại giao khác, bao gồm cả việc sử dụng trọng tài quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Russel cũng kêu gọi Bắc Kinh phải hành động phù hợp với các cam kết, theo luật pháp quốc tế, với tinh thần tham gia xây dựng, đặc biệt với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc cần phải làm rõ yêu sách lãnh thổ của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Đối với Malaysia, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ mong muốn, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Kuala Lumpur sẽ thúc đẩy việc ký kết sớm Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
Phản ứng trước những tuyên bố này của ông Russel, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/01 đã cảnh báo “các nước bên ngoài khu vực không nên can thiệp và khuấy động” tình hình ở Biển Đông. Đáng chú ý, bà Hoa còn lên án việc “nước lớn bắt nạt nước nhỏ hơn” - cụm từ mà giới phân tích thường dùng khi chỉ trích các hành động củng cố tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á: từ việc ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, tiến hành các hoạt động cải tạo đảo/đá làm thay đổi hiện trạng tranh chấp, quấy rối ngư dân và làm gián đoạn việc thăm dò năng lượng của nước khác trong vùng biển của họ.
Linh Phương (tổng hợp)
Theo Petrotimes