Tháng 10/2014, 4 trong số 18 thành viên khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chính thức lâm vào cảnh giảm phát. Các nhà kinh tế ví von rằng, giảm phát là một thứ thuốc độc với tác động rất chậm nhưng làm kiệt sức nạn nhân lúc nào không ai hay biết. Theo Giáo sư Henrik Uterwedder, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Pháp - Đức tại Ludwigsburg, giảm phát có nghĩa là tình trạng giá cả chung của một nền kinh tế đi xuống.
Vấn đề đặt ra là một khi rơi vào tình huống này thì rất khó tìm được một lối thoát. Hiểu theo nghĩa là người tiêu dùng liên tục hoãn lại các kế hoạch mua sắm để, cùng với một số tiền, người ta có thể mua vào được một khối lượng hàng hóa lớn hơn, hay có chất lượng hơn. Thái độ chờ đợi đó đẩy khu vực sản xuất vào bế tắc. Không có người mua thì hàng bị tồn kho. Doanh nghiệp cũng không thể đầu tư. Do vậy nếu như châu Âu lâm vào cảnh này, thì đây là điều hết sức đáng lo ngại.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Mario Draghi (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Nguyên nhân của tình trạng trên là do có những yếu tố liên quan đến thị trường. Một số nguyên và nhiên liệu đang giảm giá vào thời điểm này. Điển hình là giá dầu lửa, giá nông phẩm trong bối cảnh rau quả của châu Âu bị cấm bán cho Nga. Nhưng bên cạnh đó chính sách của Bruxelles cố tình kiểm soát giá cả đã gây nên tình huống này. Đức tới nay vẫn còn bị ám ảnh lạm phát phi mã ở những thập niên 30 của thế kỷ trước và sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai. Cho nên, mọi nỗ lực của Liên minh châu Âu từ hàng chục năm qua đề ra nhằm kìm hãm giá cả, tránh để xảy ra lạm phát.
Có ý kiến cho rằng, châu Âu thực ra chưa thực sự rơi vào cảnh giảm phát mà mới chỉ mấp mé vì đây là quá trình kéo dài. Trong suốt mấy năm qua, nền kinh tế của cả khối EU đều rất èo uột. Lý do là vì phần lớn các nước đều bị rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, một số nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha… còn mấp mé bờ vực phá sản. Để cứu nguy cho những “con nợ” này, Đức phải móc tiền túi ra bảo đảm. Có tiền thì có quyền. Đức yêu cầu chính quyền các nước đang nợ “đầm đìa” không được tiêu hoang mà phải thắt lưng buộc bụng để ổn định tình hình tài chính. Kết quả là nhiều nước phản đối và còn đe dọa ra khỏi Eurozone để họ tự bề lo liệu.
Lúc trước khi chưa tham gia vào khu vực đồng tiền chung euro, một quốc gia kém khả năng cạnh tranh có thể phá giá đồng tiền để hàng xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn. Hay là một khi gặp khó khăn về kinh tế thì quốc gia đó điểu chỉnh tỷ giá hối đoái nếu như kinh tế bị đình đốn thì một quốc gia có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ hay dùng ngân sách để kích cầu. Một khi tham gia đồng euro thì không một thành viên nào có thể tự do điều chỉnh tỷ giá hối đoái.
Không chi tiêu đồng nghĩa với việc kìm hãm phát triển kinh tế. Vòng kim cô do Đức đề ra khiến cả khối EU đứng trước vực thẳm suy thoái. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, ngày 22/01/2015, Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thông báo là định chế này quyết định tung ra một chương trình mua lại nợ công và tư, tổng cộng hơn 1.100 tỉ euro.
Theo lời ông Draghi, các nợ này sẽ được mua trung bình là 60 tỉ euro mỗi tháng, kể từ tháng 03/2015 cho đến cuối tháng 09/2016 và thậm chí còn kéo dài thêm, cho đến khi nào lạm phát tăng trở lại ở mức khoảng dưới 2% một chút. Việc mua lại nợ chủ yếu sẽ do ngân hàng trung ương của 19 quốc gia Eurozone thực hiện.
Ngay sau khi có thông báo trên của ECB, lãi suất vay tiền thời hạn 10 của Pháp đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, giống như Tây Ban Nha và Italia. Đồng Euro thì lại giảm giá so với đồng USD, xuống đến mức thấp nhất kể từ tháng 09/2003.
Hành động của ECB đã dẫn đến các phản ứng trái ngược. Một số nhà phân tích e ngại nó được đưa ra quá muộn. Các kinh tế gia khác lại nghi ngờ biện pháp mua trái phiếu sẽ dẫn đến việc giới tiêu thụ và doanh nghiệp lại mua và đầu tư thêm nữa. Đức, nền kinh tế lớn nhất của khu vực châu Âu, phản đối việc mua trái phiếu vì lo ngại rằng biện pháp kích thích kinh tế này sẽ khiến những nền kinh tế yếu nhất của khối, như Hy Lạp, có ít động lực để cải cách những chính phủ ngập trong nợ nần của họ.
Báo chí Pháp đã khen ngợi quyết định dũng cảm của ông Draghi, đã dám bất chấp thái độ đối nghịch của Đức để nới lỏng chính sách tiền tệ chung, nhằm thúc đẩy tăng trưởng châu Âu đang hết sức èo uột.
Nước Đức luôn luôn chống lại mọi chính sách bơm tiền vào nền kinh tế. Thế nhưng, Draghi đã dám đi ngược lại với tính chính thống của Đức để đẩy một châu Âu ù lì về kinh tế tiến lên, tránh cho châu Âu khỏi bị một “thập kỷ lãng phí” như trường hợp Nhật Bản, nơi mà cả tăng trưởng lẫn tăng giá đều không có.
Trong bài bình luận trên báo New York Times vào cuối tháng 10/2014, giải Nobel Kinh tế năm 2008, Paul Krugman cho rằng, châu Âu đang rơi vào tình trạng đình đốn tương tự như của Nhật Bản nhưng với tác động còn tệ hại hơn. Và ông tự hỏi tại sao Lục địa già lại không tút tỉa được bài học nào từ kinh nghiệm của nước Nhật.
Giáo sư Krugman từng chỉ trích Nhật Bản “lãng phí thời gian”, quá thụ động trước một căn bệnh hiểm nghèo như “bệnh giảm phát”, để rồi sau này, Tokyo đã hao công tốn của biết chừng nào mà vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Giờ đây ông nhận thấy rằng, châu Âu đang lao vào một con đường còn tệ hơn cả so với những gì Nhật Bản đã làm.
Nhận định về hành động của Ngân hàng ECB, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, rằng bất kể ngân hàng làm gì đi nữa thì các nhà lãnh đạo chính trị của châu Âu "cần phải đề ra sẵn khuôn khổ cho sự phục hồi".
S.Phương (tổng hợp)
Theo Petrotimes