|
Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Hollande đã nỗ lực để có hội đàm bốn bên tại Minsk - Ảnh: Reuters |
Cuộc đàm phán tại Minsk (Belarus) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kéo dài từ ngày 11/02 sang tận ngày 12/02 nhằm tìm ra một kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo đã cam kết tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. “Chúng tôi đã cố gắng để nhất trí nhiều điểm chính - ông Putin tuyên bố sau cuộc đàm phán - Chúng tôi đã nhất trí về việc ngừng bắn từ ngày 15/02”.
Tổng thống Nga khẳng định một điểm nữa vô cùng quan trọng là việc rút vũ khí hạng nặng khỏi đường tiếp xúc hiện nay giữa hai bên (quân Kiev và quân ly khai) đối với binh sĩ Ukraine và đường quy định trong thỏa thuận ở Minsk hồi tháng 09/2014 đối với quân ly khai.
Không thật sự đột phá
Đối với một số người, điều này là chưa đủ. Chúng tôi cũng mong đợi nhiều hơn nhưng đây là những điều mà hai vị tổng thống Nga và Ukraine có thể nhất trí |
Ngoại trưởng Đức FRANK - WALTER STEINMEIER |
Theo Hãng tin Nga TASS, chiều 12/02 bốn lãnh đạo đã ký tuyên bố chung dài bốn trang về giải pháp cho vấn đề Ukraine. Điểm nổi bật trong tuyên bố là lãnh đạo bốn nước khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như giải pháp hòa bình là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay tại nước này.
Lãnh đạo bốn nước ủng hộ giải pháp tổng thể mà nhóm tiếp xúc ký cùng ngày tại Minsk, đồng thời sẽ đóng góp cũng như dùng ảnh hưởng của mình đối với các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện những giải pháp này.
Lãnh đạo bốn nước nhất trí củng cố hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga sẽ thúc đẩy giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cụ thể, sẽ tiếp tục đàm phán ba bên về vấn đề năng lượng để phát triển tiếp các biện pháp tạm thời cho mùa đông trong lĩnh vực khí đốt.
Đàm phán ba bên cũng sẽ đề ra giải pháp chính trị cho những vấn đề mà Nga lo ngại liên quan đến thỏa thuận về khu vực thương mại tự do giữa Ukraine và EU.
Bơm tiền cho Ukraine
Trong một nỗ lực để vực dậy Chính phủ Ukraine, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde hôm qua cho hay đã đạt được một thỏa thuận về gói giải cứu tài chính mới cho Kiev trị giá 17,5 tỉ USD.
Tổng cộng, như bà Lagarde cho hay, Ukraine sẽ nhận 40 tỉ USD hỗ trợ trong vòng bốn năm cùng với các khoản vay song phương từ nhiều nguồn khác, giúp tài chính của Kiev ổn định sau 10 tháng xung đột ở miền đông.
|
Đối với thỏa thuận Minsk “mới”, lãnh đạo bốn nước nhất trí lập một cơ chế kiểm soát bao gồm lãnh đạo của bộ ngoại giao. Nhóm này sẽ họp thường kỳ về tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk.
Hiện tất cả các bên tham gia đàm phán cũng như Nghị viện châu Âu đều bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, coi đây là tia hi vọng sáng sủa cho cuộc khủng hoảng Ukraine, tuy nhiên cùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc triển khai trên thực tế các thỏa thuận đạt được.
Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier nói thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk hôm qua không phải là “một giải pháp toàn diện” và cũng chẳng phải là “một sự đột phá”. Trong một bản tuyên bố viết tay, ông hoan nghênh thỏa thuận này nhưng nói “không có bất cứ sự hồ hởi nào”.
Ông khẳng định sẽ phản đối bất cứ hành động nào trong những ngày tới đe dọa thỏa thuận ngừng bắn.
Trong khi đó theo Reuters, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố ông Putin đã gây sức ép lên quân ly khai ở miền đông Ukraine để chấp nhận việc ngừng bắn từ ngày 15/02. Bà nói điều này đem lại một tia hi vọng mong manh hơn cho cuộc xung đột.
Dù những gì đạt được ở Minsk không phải là trọn vẹn, nhưng Tổng thống Pháp Hollande nhận định thỏa thuận vừa đạt được là “một giải pháp chính trị toàn diện”. Ông nói thêm có một niềm hi vọng nghiêm túc ngay cả khi mọi thứ chưa xong xuôi.
Phát biểu sau đàm phán, lãnh đạo quân ly khai Alexander Zakharchenko nói thỏa thuận hòa bình ở Minsk đã đem lại một niềm hi vọng cho một giải pháp hòa bình. Một lãnh đạo khác của quân ly khai là Igor Plotnitsky phát biểu sau khi ký thỏa thuận: “Chúng tôi không còn cách nào khác là cho Ukraine cơ hội này. Cả đất nước sẽ thay đổi”.
Đàm phán căng thẳng
Đến những phút cuối cùng của cuộc đàm phán ở Minsk, Tổng thống Ukraine Poroshenko còn cho rằng Nga đã đưa ra các điều kiện không thể chấp nhận được. Theo AFP, chi tiết các điều khoản về thỏa thuận hòa bình chưa được công bố ngay lập tức.
Một trong những điểm chính trong thỏa thuận ngừng bắn thất bại hồi tháng 09/2014 là ai kiểm soát khu vực trải dài 400km ở biên giới Nga với khu vực do quân ly khai kiểm soát ở Ukraine.
Khu vực này nằm trong sự kiểm soát của Nga và quân ly khai mà Kiev cáo buộc là nơi được sử dụng làm đường tiếp tế cho quân ly khai. Moskva bác bỏ điều này.
Ngoài ra, cũng có sự bất đồng sâu sắc trước khi đàm phán ở Minsk diễn ra là diện tích của vùng lãnh thổ mà quân ly khai kiểm soát. Trong những tuần qua, quân ly khai đã chiếm thêm được nhiều khu vực đáng kể.
Theo AFP, Moskva cũng thúc đẩy việc trao mức độ tự trị cao cho các vùng lãnh thổ do quân ly khai kiểm soát, nhưng Kiev nói họ chỉ sẵn lòng từ bỏ một số quyền tại đây.