Trẻ em Hàn Quốc chơi Yutnori vào đầu năm - Ảnh chụp màn hình trang Korea.net
Người dân Hàn Quốc đón năm mới bằng cách tham gia những trò chơi dân gian truyền thống vào ngày đầu năm như: Yutnori, thả diều, đá cầu… Một trong những trò chơi phổ biến nhất là Yutnori.
Theo Visit Korea, Yutnori chơi bằng cách di chuyển các quân cờ và người chơi sử dụng gậy Yut để làm xúc xắc. Đường đi của gậy Yut trong bàn cờ tượng trưng cho sự vận động của hành tinh mặt trời, có ý nghĩa cầu mong một năm mới đầy tốt lành và sung túc.
Lễ hội đốt đồng - Ảnh chụp màn hình Peopleus.com
Ngoài ra, ở một số nơi như đảo Jeju thường tổ chức lễ hội đốt đồng vào đầu năm mới. Theo trang ClickAsia, người dân Hàn Quốc sẽ chất củi và rơm trong một khu đồng trống, chờ ánh trăng lên và đốt lửa. Người Hàn Quốc quan niệm ngọn lửa sẽ diệt trừ tà ma, mang lại mùa màng tốt tươi. Một số người còn tụ tập trước ngọn lửa lớn để cầu nguyện cho gia đình và người thân.
Bắn pháo hoa mừng năm mới ở Trung Quốc - Ảnh: AFP
Ngày Tết ở Trung Quốc có câu chuyện thần thoại về một loài thú dữ chuyên phá hoại mùa màng và vật nuôi của người nông dân. Vì thế, vào ngày đầu năm, người dân có phong tục đốt pháo và treo đèn lồng đỏ, với quan niệm tiếng ồn của pháo cùng màu sắc tươi đỏ của đèn sẽ làm thú dữ khiếp sợ, không dám phá hoại cuộc sống của con người, theo China Highlight.
Người dân Trung Quốc sử dụng đèn lồng đỏ để trang trí và trừ tà - Ảnh: AFP
Lễ hội té nước ở Thái Lan - Ảnh: AFP
Du khách nước ngoài tham gia lễ hội té nước ở Thái Lan - Ảnh: AFP
Lễ hội té nước Songkran của người Thái diễn ra vào khoảng 13 - 15/04 hằng năm. Theo lịch của người Thái thì khoảng thời gian này mới chính là chu kỳ khởi đầu của một năm mới. Mọi người sẽ cùng nhau đổ ra đường, dội nước vào nhau cùng với lời chúc mừng năm mới. Lễ hội mang ý nghĩa rửa sạch tất cả những điềm xấu và đón chào một năm mới tươi vui, hạnh phúc, theo China Highlight.
Trẻ em ở Triều Tiên vui chơi Tết - Ảnh: Reuters
Người Triều Tiên có phong tục đón Tết “lạ” khi lấy tiền cho vào hình nộm bằng rơm để trước cửa nhà, nhằm trừ tà ma. Bên cạnh đó, họ còn lấy tóc rụng của cả năm đem đi đốt, với quan niệm mang đến sự an lành cho năm mới, theo DailyNK.
Người dân Singapore cùng nhau thưởng thức Yusheng - Ảnh: Reuters
Người ăn xới tung nguyên liệu và hô to những lời ước nguyện - Ảnh: Reuters
Trong ngày Tết, người Singapore ăn một món ăn rất đặc biệt có tên là Yusheng, món gỏi làm từ 27 nguyên liệu như cá hồi, rau củ, các loại nước sốt, gia vị… Các loại nguyên liệu của món Yusheng cũng mang ý nghĩa riêng. Cá tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ; chanh tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi; ớt mang đến ước vọng về tiền tài, vật chất.
Khi thưởng thức món ăn, người ăn sẽ xới tung các nguyên liệu lên cao nhưng không để rớt ra ngoài, với ý nghĩa là tung lên càng cao thì càng may mắn. Đồng thời, họ cũng la to “Lo hei”, có nghĩa là “trộn đều” và cũng có ý là “thịnh vượng”, theo Singapore Food History.
Lễ hội đua ngựa ở Hồng Kông - Ảnh chụp màn hình The Guardian
Vào ngày mồng 3 Tết, người dân Hồng Kông sẽ đến trường đua và xem đua ngựa. Đây là một sự kiện đặc biệt với những màn đua ngựa, múa lân và trình diễn nghệ thuật. Người tham gia sẽ đặt cược cho những chú ngựa mà họ yêu thích để hi vọng bản thân sẽ có một năm mới tràn ngập may mắn, theo China Highlight.
Người dân Nhật Bản đi chùa trong ngày đầu năm - Ảnh: AFP
Tiếng chuông chùa thi nhau cất lên khắp Nhật Bản đón giao thừa - Ảnh chụp màn hình Pinterest.com
Không giống như những quốc gia châu Á ở trên, Nhật Bản đón Tết theo lịch dương, ngày 01/01. Dù vậy, họ vẫn có cách đón chào năm mới độc đáo. Gần thời khắc giao thừa, người dân sẽ tập trung về các chùa chiền để thực hiện nghi lễ Ninenmairi.
Lúc này, hàng loạt tiếng chuông chùa trên khắp nước Nhật sẽ thi nhau cất tiếng. Tiếng chuông vang lên 108 lần, xua tan đi những điều không hay của năm cũ. Khi hồi chuông kết thúc, một năm mới chính thức bắt đầu, theo AsianAmericanBook.com.
Huỳnh Mai (tổng hợp)
Theo TNO