Dòng người Kokang chạy nạn từ Myanmar sang Trung Quốc
Ngày 07/03/2015, chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khẳng định không đón nhận và cũng không ủng hộ Bành Gia Thanh (Peng Jiasheng), thủ lĩnh phiến quân Kokang người gốc Trung Quốc.
Trả lời báo chí sáng ngày 07/03, Bí thư tỉnh ủy Vân Nam, Lý Kỷ Hằng, nhấn mạnh: “Chúng tôi chắc chắn không ủng hộ Bành Gia Thanh dùng vũ lực chống lại chính chính phủ Myanmar. Chúng tôi không bao giờ ủng hộ bất kỳ một lực lượng vũ trang nào chống lại chính phủ Myanmar”.
Trước đó ngày 21/02/2015, quân đội Myanmar đã tố cáo một số cựu chiến binh quân đội của Trung Quốc hỗ trợ cho phe trung thành với ông Bành Gia Thanh, người gốc Tứ Xuyên. Nhân vật này là thủ lĩnh của phe nổi dậy thuộc sắc tộc Kokang, sống tại bang Shan, miền Bắc Myanmar. Ông Bành hiện bị Naypidaw tố cáo lãnh đạo phiến quân và tiến hành nhiều vụ xung đột nhắm vào quân đội Myanmar ở vùng Laukkai.
Từ ngày 09/02/2015, đụng độ bùng phát sau 6 năm tạm lắng giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai người Kokang, khiến cả trăm ngàn người Kokang di tản sang Trung Quốc.
Dân tộc thiểu số Kokang, về văn hóa, khá gần với người Trung Quốc, là một trong số các sắc dân ít người được chính thức công nhận tại Myanmar. Trước năm 1989, họ thuộc đảng Cộng sản Myanmar, một lực lượng du kích hùng mạnh được hậu thuẫn của Trung Quốc để chống lại chính quyền trung ương Myanmar trong nhiều thập niên. Nhưng vào năm 1989, đảng Cộng sản Myanmar bị suy sụp và những cộng đồng thiểu số như Wa hay Kokang đã có thỏa thuận ngưng bắn với chính quyền.
Tuy nhiên, qua năm 2009, chính quyền trung ương đã muốn biến lực lượng Kokang thành một lực lượng bán quân sự để trấn giữ biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc. Lãnh đạo Kokang, Bành Gia Thanh đã từ chối, quân đội Myanmar liền tấn công vùng này buộc rất nhiều người dân phải chạy sang Trung Quốc lánh nạn.
Theo các nhà phân tích, khó biết được chính xác điều gì đã dẫn tới sự trở lại của chiến tranh tại khu vực này vào tháng 2/2015. Tuy nhiên biến cố mới này rõ ràng đã làm chậm lại quá trình thương thuyết giữa chính quyền với các nhóm sắc tộc thiểu số nói chung – chiếm khoảng 40% dân số Myanmar - vốn đã rất khó khăn.
Nhiều sắc tộc đã chiến đấu chống lại chính phủ, kể từ khi Myanmar giành được độc lập, năm 1948. Đàm phán giữa chính quyền Myanmar với các sắc tộc thiểu số, kể từ khi Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền, thoạt tiên gây hy vọng, nhưng sau đó tình hình trở nên tồi tệ đi, đặc biệt với vụ quân đội Myanmar không kích vào căn cứ của người Kachin ngay sau ngày đàm phán giữa quân Kachin và các đại diện của chính quyền dân sự. Cuối năm ngoái, đã từng có hy vọng thỏa thuận đạt được nhanh chóng với các nhóm vũ trang, tuy nhiên ngày 12/02 vừa qua, chính phủ Myanmar chỉ gặp được bốn nhóm (trên tổng số 13 nhóm dự kiến) để ký thỏa thuận cam kết hòa bình và hòa giải. Cùng lúc đó, xung đột bùng nổ tại Kokang. Lực lượng vũ trang của một số sắc tộc đã đứng về phía người Kokang chống lại quân đội.
Trong vòng giao tranh mới đây nhất, Bành Gia Thanh tìm cách lấy lại quyền kiểm soát vùng tự trị Kokang, nơi ông ta đã từng nắm quyền cho đến năm 2009. Trong cuộc tấn công, ông đã tìm cách tranh thủ công luận Trung Quốc, dành những cuộc phỏng vấn cho các cơ quan truyền thông được nhà nước hậu thuẫn, trong đó ông nói về cách thức ông đã cố gắng chấm dứt nạn buôn lậu ma tuý trong khi nắm quyền và quảng bá phát triển kinh tế. Nay ông Bành cho hay ông chiến đấu vì quyền lợi và quyền tự trị của khu vực và đã lập luận rằng kể từ khi ông rời khỏi khu vực, nạn buôn lậu ma tuý đã trở lại và Kokang không còn thuộc về người sắc tộc Trung Quốc nữa.
Việc ông Bành tự mô tả mình là người bảo vệ sắc dân Trung Quốc và là một nhà cai trị có trách nhiệm ở Kokang trái ngược hẳn với sự đánh giá của chính phủ Mỹ về ông ta. Một bức điện của chính phủ Mỹ năm 2009 công bố trên trang web Wikileaks, mô tả ông Bành và gia đình là những tay buôn lậu ma tuý khét tiếng. Bức điện nói Cơ quan Bài trừ Ma tuý Mỹ đã liệt ông ta là một tay buôn lậu ma tuý quan trọng kể từ khoảng giữa thập niên 1970.
Lương Tấn Vân, một giáo sư tại Học viện Cảnh sát Vân Nam, nói rằng ông Bành cũng vẫn nằm trong danh sách hơn 30 tay buôn lậu ma tuý khét tiếng bị cấm nhập cảnh Trung Quốc. Ông Lương nói việc ông Bành vừa trở về Kokang, lãnh đạo một nhóm chiến binh nổi dậy gọi là Đạo quân Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar, tức MNDAA, dường như có mục đích lấy lại quyền thế hơn là có liên hệ gì rõ rệt với công cuộc buôn lậu ma tuý.
Cuộc chiến ở Kokang diễn ra vào lúc chính phủ Myanmar đang ráo riết vận động để đạt được một giải pháp hoà bình với tất cả các nhóm sắc tộc thiểu số trước cuộc tổng tuyển cử năm nay. Ông Lương nói: “Có thể là trước cuộc tổng tuyển cử, ông Bành tìm cách được đề cử làm người đứng đầu vùng này một lần nữa và đòi một ghế trong quốc hội của chính phủ”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông nghi ngờ về việc ông Bành có thể đạt được mục tiêu đó. Ông Bành đã tìm cách lôi kéo Bắc Kinh vào vụ xung đột, thổi phồng các quan hệ cá nhân với Trung Quốc cũng như việc Kokang đã có thời thuộc về Trung Quốc ra sao.
Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định rõ rằng họ sẽ không dung túng bất cứ sự ủng hộ nào cho cuộc chiến từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, những lời hô hào của ông Bành đề nghị sự hỗ trợ của Trung Quốc đã có tiếng vang trong giới blogger theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng. Một số thậm chí còn kêu gọi chính phủ Trung Quốc lấy lại vùng đất này. Các giới chức Myanmar đã than phiền là có bằng chứng cho thấy ông Bành và các chiến binh của ông ta nhận thực phẩm, vũ khí và chăm sóc y tế của các cảm tình viên bên kia biên giới.
Hồi tuần trước, một giới chức của văn phòng Tổng thống Myanmar lên tiếng báo động với chính quyền Trung Quốc về khả năng phe nổi dậy vũ trang Kokang sử dụng lãnh thổ Trung Quốc làm hậu cứ.
Trong mấy tuần lễ vừa qua, mạng truyền thông xã hội Trung Quốc cũng đã đầy rẫy các hình ảnh ghê rợn của cuộc chiến và cư dân Kokang người Trung Quốc mà người ta cho là đã bị quân đội Myanmar giết hại.
Hồi đầu tuần trước, hơn một chục bức hình dường như chụp ở Kokang cho thấy xác của các thanh niên, một số bị quấn dây thừng ở cổ và tay trói ngoặt sau lưng. Các cảm tình viên của phiến quân nói họ đã bị quân đội Myanmar hành quyết, nhưng không có cách nào kiểm chứng lời khẳng định này. Các hình ảnh những vụ tử vong như thế đã góp phần châm ngòi cho sự phẫn nộ ở Trung Quốc và những lời kêu gọi có nỗ lực cứu vớt những người mà giới bình luận trên mạng nói là anh em Trung Quốc.
Min Zaw Oo là Giám đốc Trung tâm Hòa bình Myanmar ở Yangon và đã theo dõi sát vụ xung đột. Ông nói: “Ở thời điểm này, vẫn còn nhiều tin đồn, vẫn chỉ là hoả mù chiến tranh”.
Một diễn biến khác vẫn còn bao trùm trong màn bí mật là vụ tấn công mới đây nhắm vào một đoàn công xa của Hội chữ thập đỏ làm 5 người bị thương. Hội Chữ thập đỏ Myanmar nói lực lượng nổi dậy đã mở cuộc tấn công. Phe nổi dậy thì đổ cho quân đội.
Ông Min nói phe nổi dậy dường như đã thất bại trong nỗ lực ban đầu nhằm nắm quyền kiểm soát thủ phủ Laogai của Kokang và phiến quân sắc tộc Kokang và có lẽ các chiến binh sắc tộc khác hiện đang bị dồn vào một vị trí gần biên giới Trung Quốc: “Nhưng ở phần phía nam của cuộc giao tranh để chiếm Laogai, lực lượng của họ còn ở vị trí và có rất nhiều hoạt động tấn công rồi bỏ chạy. Ban đêm họ vào vùng Laogai bằng xe tải chở đầy vũ khí hạng nặng và đến sáng hoặc ban đêm họ sẽ pháo kích vào các mục tiêu ở Laogai và sau đó lại dồn trở lại vào xe và trở lại”. Theo ông Min nhiều khả năng giao tranh sẽ tiếp tục trong vài tuần lễ, chứ không phải vài tháng.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes