TS. Trần Công Trục trả lời: Hiện nay, trong hệ thống thể chế quản lý biển, đảo Việt Nam chủ yếu có hai loại hình:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước về biển theo ngành:
Có khoảng 13 bộ, ngành cùng tham gia:
- Cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và thuỷ sản- Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ, thực hiên chức năng quản lý Nhà nước các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi tại các vùng biển, ven biển và hải đảo.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản và dầu khí - Bộ tài nguyên và Môi trường, quản lý Nhà nước về khoảng sản; Bộ Công thương, quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại lĩnh vực dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng.
|
Hoạt động của các giàn khoan, bảo vệ khai thác tài nguyên biển (ảnh Năng lượng mới) |
- Cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải biển: Bộ giao thông vận tải là cơ quan quản lý về giao thông vận tải, trong đó giao thông vận tải biển; gồm có Cục Hàng hải Việt Nam, Cục đường thuỷ nội địa, Cục hàng không Việt Nam, Cục đăng kiểm.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch biển.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về ngoại giao và biên giới lãnh thổ quốc gia, không phân cấp cho chính quyền địa phương. Chức năng quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia bao gồm: xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược chính sách về biên giới quốc gia trên biển, phân định cắm mốc, quản lý mốc biên giới, đàm phán ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến biên giới lãnh thổ quốc gia trên biển.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về quốc phòng trên biển - Bộ quốc phòng có mối quan hệ mật thiết với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các lực lượng của Bộ quốc phòng luôn đóng vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật và phong thủ trên trên khu vực biên giới biển, đảo. Các đơn vị của Bộ quốc phòng có nhiệm vụ quan trọng liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng trên biển, bao gồm: điều hành chung các hoạt động tác chiến, trong đó các lực lượng chiến đấu trực tiếp là các đơn vị hải quân, quản lý vùng trời, hoạt động biên phòng, cảnh sát biển, tìm kiếm, cứu nạn…
- Cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh vùng biển, ven biển - Bộ Công an là cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cả nước.
Thứ 2, cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển:
Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 03/04/2008 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi tường nhiệm vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thông nhất về biển và hải đảo; ngày 26/08/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Ở 28 tỉnh, thành phố ven biển nghiệm vụ này được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.
Về bản chất, quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo không thay thế quản lý Nhà nước theo ngành/lĩnh vực nói trên, mà chỉ đóng vai trò điều chỉnh và kết nối các hành vi phát triển (khai thác, sử dụng) của các ngành, lĩnh vực của những người sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo.
Đã trải qua 5 năm áp dụng 2 loại hình quản lý Nhà nước về biển nói trên đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ, quản lý và phát triển biển, đảo của Việt Nam trong tình hình hiện nay hay không, đó vẫn là câu hỏi còn phải được tìm câu trả lời khoa học và khách quan nhất.
Hồng Chuyên
Theo Infornet