Sau một ngày làm việc tích cực với 3 phiên và 4 phần thảo luận sôi nổi, trên tinh thần khách quan, khoa học và xây dựng, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” do Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Nha Trang phối hợp tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa đã bế mạc.
Tại Hội thảo, các học giả đều cho rằng Trung Quốc đã và đang làm phức tạp tình hình Biển Đông. Đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài Quốc tế.
|
Các học giả tham dự Hội thảo |
Gần 30 tham luận và nhiều ý kiến của các học giả phát biểu tại Hội thảo tập trung thảo luận nhiều vấn đề như: Quy chế của đảo, đá, trong luật quốc tế; phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế ngày 12/7 vừa qua; nội dung, ý nghĩa và tác động của phán quyết đối với tranh chấp ở khu vực Biển Đông; vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao pháp lý thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông…
Tiến sỹ Amy Searight, đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ cho biết, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là yêu cầu các quốc gia phải ngừng xây dựng, cải tạo đảo, đá, ngừng các hoạt động quân sự hóa ở các vùng tranh chấp. Phán quyết vừa qua có thể tạo ra tiền lệ tốt về giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Tiến sỹ Amy Searight nêu rõ: “Đây là phán quyết quốc tế có tính ràng buộc nhưng không có lực lượng để thực thi. Vì vậy, cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là các quốc gia trong khu vực cần phải kiên định và đoàn kết để có thể cùng nhau đòi hỏi để buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của luật pháp quốc tế”.
Tại Hội thảo, một số học giả cũng bày tỏ quan ngại và phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc như: xây dựng, cải tạo đảo trái phép và đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông. Đây là các hành động không phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, việc làm của Trung Quốc không thể làm thay đổi quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Biển Đông. Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là một kế hoạch được tính toán bài bản, lâu dài gồm nhiều bước.
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước nêu rõ: “Hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ của họ với 5 bước: tấn công chiếm đóng trái phép, xây dựng nhân tạo các điểm công trình, yêu sách các vùng biển 12 hải lý họ đã làm, quân sự hóa biển Đông. Kết hợp 3 điểm thực hiện giăng dây mắc võng trên biển để thực hiện mưu đồ quân sự hóa biển Đông, thực hiện mưu đồ chiếm đoạt biển Đông”.
Phó Giáo sư Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, tại Hội thảo các học giả Việt Nam và quốc tế đã đồng thuận nhiều nội dung về Biển Đông với 6 điểm. Trong đó, nổi bật là nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; Hoan nghênh phán quyết chung thẩm và mang tính ràng buộc được Tòa trọng tài Quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước đưa ra ngày 12/7/2016. Theo các đại biểu, phán quyết này, đã giúp thu hẹp phạm vi các khu vực có tranh chấp và mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Biển Đông.
Phó Giáo sư Phạm Đăng Phước cho biết: “Hội thảo cũng nhằm làm sáng tỏ những cơ sở pháp lý về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam đối Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi cũng có các nội dung xem xét các hành vi đơn phương làm thay đổi nguyên trạng về mặt thực địa và chiến lược Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực dưới góc độ pháp lý quốc tế và chính trị khu vực”./.