Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 dưới góc nhìn sử học
Wednesday, February 19, 2014 8:02 AM GMT+7
Sáng 17/02/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn 60 vạn quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Qua gần 1 tháng chiến đấu kiên cường với tinh thần xả thân bảo vệ Tổ quốc, quân và dân ta đã đập tan ý chí xâm lược của giặc, bảo vệ vững chắc non sông đất nước. Nhân 35 năm sau sự kiện này, Báo Đà Nẵng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến, Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.

 Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. (Ảnh tư liệu)

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Việt Nam đồng thời nhận được sự hậu thuẫn to lớn về viện trợ quân sự của Trung Quốc lẫn Liên Xô. Do quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô ngày càng xấu đi (thậm chí xảy ra cuộc xung đột vũ trang căng thẳng ở biên giới Trung - Xô năm 1969), nên quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt từ năm 1968, vì Trung Quốc không muốn Việt Nam duy trì giao hảo với Liên Xô.

Sự thù địch với Liên Xô ngày càng đẩy Trung Quốc xích lại gần hơn với Mỹ. Và dĩ nhiên, vì đối lập với Liên Xô, nên Mỹ không bỏ qua cơ hội đó, với việc đích thân Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận bắt tay với Trung Quốc về những vấn đề đôi bên cùng có lợi (trong đó có việc kiềm chế cách mạng Việt Nam), ra Thông cáo chung ở Thượng Hải ngày 28/02/1972. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến sự khoanh tay đứng nhìn của Đệ thất hạm đội Mỹ, khi Trung Quốc tấn công đóng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974.

Sau cuộc bắt tay Trung - Mỹ, Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn, không ủng hộ chủ trương gấp rút giải phóng miền Nam của Việt Nam, và ngấm ngầm nuôi dưỡng thế lực Khmer Đỏ ở Campuchia làm hậu thuẫn cho kế hoạch phá hoại của mình. Để rồi, sau ngày giải phóng miền Nam, khi Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô, Trung Quốc bật đèn xanh cho Khmer Đỏ (do Trung Quốc trang bị vũ khí, khí tài và làm cố vấn) đem quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu đầu tháng 05/1975, thâm nhập lãnh thổ Việt Nam nhiều nơi, tàn sát hàng nghìn thường dân.

Trước hành động leo thang chiến tranh liên tục của Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn từ năm 1975 đến năm 1978, và việc Trung Quốc dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia về nước, đóng cửa Đại sứ quán, cho quân đội khiêu khích dọc biên giới phía bắc, ngày 03/11/1978, Việt - Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác cùng 5 nghị định kèm theo, tạo nên liên minh chính thức giữa hai nước nhằm giúp Việt Nam phát triển và bảo đảm cho sự đứng vững của Việt Nam trước áp lực nặng nề của Khmer Đỏ và Trung Quốc. Việc chính thức liên minh với Liên Xô của Việt Nam đã khiến Trung Quốc tức giận, nên đã đốc thúc Khmer Đỏ mở cuộc tấn công xâm lược các tỉnh biên giới Tây-Nam của Việt Nam vào ngày 22/12/1978 với 19 sư đoàn bộ binh và nhiều đơn vị xe tăng, pháo binh. Quân dân Việt Nam đã dốc sức đánh tan cuộc xâm lược, đẩy lực lượng của Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ và theo đề nghị của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội Việt Nam đã phối hợp cùng quân dân Campuchia tiến công tiêu diệt chế độ diệt chủng, giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 07/01/1979.

Thất bại của con cờ Khmer Đỏ làm Trung Quốc nổi giận quyết định động binh, tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Sau chuyến công du bắt tay với Mỹ của Đặng Tiểu Bình (Phó Chủ tịch Đảng kiêm Tổng Tham mưu trưởng quân đội) vào cuối tháng 01/1979 và nhận được tin tình báo từ Mỹ là Liên Xô không điều thêm quân áp sát biên giới Xô-Trung, sáng 17/02/1979, Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Lai Châu, với tổng quân số lên đến hơn 600.000 người (bao gồm 32 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng lực lượng lớn dân quân và dân công). Do đại quân đang tập trung ở mặt trận Tây-Nam và trên lãnh thổ Campuchia, nên lực lượng quân sự của Việt Nam tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có 6 sư đoàn của Quân khu I và Quân khu II (gồm các sư đoàn: 325B, 3, 346, 316A, 345, 326) cùng bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân du kích, tất cả chỉ khoảng 50.000 người. Tương quan lực lượng giữa Việt Nam với Trung Quốc trong buổi đầu của cuộc chiến quá sức chênh lệch là 1/12.

Quân Trung Quốc dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, lấy “biển người” để đồng loạt tấn công các vị trí xung yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Bộ đội và dân quân các nơi tuy bị áp đảo về quân số, nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu với tinh thần Trần Bình Trọng (Thà làm quỷ nước Nam), chặn đứng và từng bước đẩy lùi quân giặc, làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thọc sâu, tiêu diệt lớn” của chúng, tiêu hao số lượng lớn sinh lực địch.

Sau hơn nửa tháng chiến đấu cầm chân địch trên hầu hết tuyến biên giới bằng lực lượng ít ỏi tại chỗ, các quân đoàn chủ lực ở phía Nam đã dùng cầu không vận với sự giúp sức của không quân Liên Xô tăng viện lên biên giới phía bắc, khiến tương quan lực lượng thay đổi nhanh chóng. Ngày 05/03/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên, thể hiện quyết tâm quét sạch quân xâm lược để bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Không thực hiện được kế hoạch đề ra và đứng trước nguy cơ bị tổn thất trầm trọng thêm bởi những đơn vị thiện chiến của Việt Nam đã được tăng cường, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và bắt đầu rút quân.

Giống thời Bình Ngô của Lê Lợi-Nguyễn Trãi, ngày 07/03/1979, Việt Nam thể hiện thiện chí hòa bình và lòng nhân đạo của dân tộc, tuyên bố cho phép Trung Quốc rút lui mà không rượt đuổi hay đánh chặn. Trung Quốc hoàn thành việc rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vào 18/03/1979 với tuyên bố không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đóng giữ một số vị trí dọc tuyến biên giới, phá hủy nhiều cột mốc, và đồn trú lực lượng quân sự trên suốt chiều dài biên giới hai nước, tiếp tục khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Trong trận chiến tháng 2 và 03/1979, Việt Nam đã làm thương vong 62.500 lính Trung Quốc (trên 1/10 quân số tham chiến), đánh tan và gây thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự các loại, phá hủy và tịch thu 115 khẩu pháo, súng cối hạng nặng. Phía Việt Nam bị tổn thất dù ít hơn, nhưng rất nặng nề, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị tàn phá, 400.000 gia súc bị chết và thất lạc, hàng chục nghìn ha hoa màu tan nát, nhà cửa và tài sản nhân dân bị hủy hoại nghiêm trọng, khoảng 8.000 chiến sĩ hy sinh và 10.000 thường dân bị thiệt mạng.

Nhằm làm cho thế giới biết rõ tính chính nghĩa của mình, ngày 15/03/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt -Trung, trong đó lên án cả việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến 28/09/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng, giới thiệu 19 tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau ngày 18/03/1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, nên chiến sự vẫn tiếp diễn suốt 10 năm (1979-1989). Hành động của Trung Quốc buộc Việt Nam phải tăng cường binh lực thường trực ở biên giới để đối phó, và những cuộc đọ súng, đọ pháo qua về giữa hai bên diễn ra hằng ngày; thậm chí mỗi dịp Tết Nguyên đán, Việt Nam đưa yêu cầu ngừng bắn nhưng Trung Quốc vẫn bác bỏ. Xen kẽ giữa các cuộc giao chiến nhỏ thường xuyên là những chiến dịch lớn trên đất liền và trên biển:

- Trong hai tháng 6 và 07/1980, pháo binh Trung Quốc tập trung tấn công bắn phá ở Cao Bằng.

- Trong hai tháng 5 và 06/1981, quân Trung Quốc tấn công các cao điểm ở Lạng Sơn, Hà Giang (lúc này Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên).

- Từ tháng 4 đến tháng 07/1984, quân Trung Quốc lại mở nhiều đợt tấn công lớn ở Lạng Sơn, Hà Giang.

- Từ tháng 10/1986 đến tháng 01/1987, quân Trung Quốc lại mở nhiều đợt tấn công lớn ở Hà Giang.

- Từ tháng 04/1987 tới tháng 09/1989, quân Trung Quốc lại mở 11 cuộc tấn công ở Hà Giang.

- Ngày 14/03/1988, quân Trung Quốc dùng lực lượng hải quân tấn công quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma.

Chiến sự đạt đến cao điểm nhất trong 10 năm này là thời điểm 1984-1985.

Ngày 26/09/1989, quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh quốc tế và rút khỏi Campuchia. Trong tháng này quân Trung Quốc cũng rút hết lực lượng khỏi các vị trí chiếm đóng trước đó của Việt Nam ở Hà Giang. Chiến tranh chấm dứt, mở ra quá trình thương lượng bình thường hóa giữa hai bên. Ngày 10/11/1991, hai bên ra “Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc ” tại Bắc Kinh, chính thức khẳng định việc bình thường hóa giữa hai nước.

Biết bao thế hệ thanh niên tham gia lực lượng vũ trang và đồng bào đã chiến đấu gian khổ, kiên cường, bất khuất và có rất nhiều người vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc giai đoạn 1979-1989, trong bối cảnh Mỹ bao vây cấm vận Việt Nam, mới đổi lấy được hòa bình này! Vì thế, các thế hệ tiếp nối cần phải nâng niu, quý trọng và giữ vững nền hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ mà dân tộc đã giành được.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

Theo baodanang.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.