Giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa“: Nước mắt, hoa và lòng biết ơn!
Friday, March 14, 2014 1:14 PM GMT+7
Phút hội ngộ lịch sử, đầy xúc động...; những câu chuyện kể về những con người đã từng làm nên vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma và những cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... đã khiến cả hội trường cuộc giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tổ chức chiều qua (13/03) tại Đà Nẵng rơi nước mắt. Nước mắt của sự xúc động, sẻ chia và lòng biết ơn đối với những người con đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo quê hương...

Khúc tráng ca dành cho những anh hùng

Xương thịt của những người anh hùng hòa cùng biển khơi, còn vong linh của họ hòa vào hồn thiêng sông núi. Họ là những người đã viết thêm vào lịch sử dân tộc một trang viết bằng máu của chính mình, họ xứng đáng có một vị trí lẫm liệt trong trang hồng sử đó. Nhân kỷ niệm 26 năm sự kiện Gạc Ma, xin nghiêng mình tưởng nhớ những người anh hùng bằng tất cả tấm lòng thành.

Những người hy sinh là anh hùng, những người sống sót trở về cũng anh hùng. Khi chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” phát động, lập tức có nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ, đó là một sự chứng nhận của tổ quốc và nhân dân đối với những người đã đổ máu vệ quốc và đối với lịch sử. Sự đóng góp, chia sẻ đến từ khắp nơi trong cả nước không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là một niềm động viên tinh thần lớn lao đối với thân nhân của những người đã hy sinh và cao hơn, là củng cố thêm niềm tin vào tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam.

Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, phần giao lưu đã mở đầu bằng những giọt nước mắt đầy xúc động và kết thúc cũng chan hòa trong nước mắt. Đó không phải là nước mắt buồn đau bi lụy, mà là những giọt nước mắt tin yêu, cảm thông, hòa hợp.

Những giọt nước mắt đó đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng, sự kiện lịch sử đảo đá Gạc Ma là một khúc tráng ca không phải chỉ cất lên trong những ngày kỷ niệm, mà phải được ghi nhớ trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Đất nước còn có nhiều biển đảo, nhiều ngư trường bị ngoại bang lăm le xâm phạm. Phải có tinh thần bất khuất của những người lính đã hy sinh bảo vệ biển đảo năm xưa để bảo vệ biển đảo hôm nay.

Những tượng đài trên biển

Chương trình giao lưu đã mời các chiến sĩ từng tham gia trận hải chiến Trường Sa, những người mẹ, người vợ, người con của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988. Mọi người đã cùng nhau ôn lại những ký ức bi tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, thể hiện lòng tri ân và quyết tâm đồng hành của hậu phương với những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương, giữ vững sự bình yên cho đất nước.

Hơn trăm khách mời đã chứng kiến giây phút hội ngộ đầy xúc động của những người con đã từng cùng nhau kết nên vòng tay bất tử. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đại úy Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ505 - đến từ Hải Phòng, anh Trương Minh Hiền đến từ tỉnh Đắc Lắc, anh Lê Hữu Thảo vừa từ Hà Tĩnh vào, anh Dương Văn Dũng... Họ đã kể lại những giây phút làm nên lịch sử trên cụm đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma sáng ngày 14/03/1988.

Ông Vũ Huy Lễ kể lại giây phút ông quyết định cho con tàu 505 đang bốc cháy lao thẳng lên đảo Cô Lin, biến thành một “chiến hạm không thể đánh chìm”, trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm. Ngọn cờ tổ quốc - một trên đảo, một trên tàu - bay phần phật, khẳng định cột mốc chủ quyền của tổ quốc. Các cựu binh Trương Minh Hiền, Lê Hữu Thảo, Dương Văn Dũng đã kể lại những phút giây bi tráng trong cuộc chiến. Các chiến sĩ trên đảo đã anh dũng chiến đấu, kết thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma, mà sau này nhiều người đã gọi một cách thiêng liêng đó là “Vòng tròn bất tử”.

Mộ gió cho liệt sĩ

Vũ Huy Khoa - con của Anh hùng LS Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604 - tham dự buổi giao lưu. Khoa nói: “Em hiểu rằng, để có được sự bình yên cho đất nước, bố em, những chiến sĩ thế hệ trước đã hy sinh rất nhiều. Năm 1988, khi bố hy sinh, em mới 3 tháng tuổi. Nghe mẹ kể, trước chuyến đi định mệnh ra Gạc Ma, bố có về quê thăm mẹ con em. Khi chia tay bố hứa, sau chuyến công tác này, bố sẽ về đưa mẹ con em vào Cam Ranh định cư cùng bố. Thế nhưng, không ngờ đó là chuyến đi mãi mãi của bố. Bây giờ, nghe các chú kể về trận chiến, em như chứng kiến được hình ảnh cuối cùng của bố đã ngã xuống”.

 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tặng món quà đầu tiên của chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" cho các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma.

Cụ bà Trương Thị Ngò - mẹ liệt sĩ Nguyễn Bá Cường - người con quê hương Quảng Nam - nghẹn ngào bày tỏ ước nguyện mong tìm được hài cốt con mới yên lòng trước khi nhắm mắt. Đó cũng là ước nguyện chính đáng và rất thiêng liêng của tất cả các gia đình có liệt sĩ nằm lại Gạc Ma năm 1988. Chị Phạm Thị Ninh - vợ LS Phan Huy Sơn - đến từ xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, nói trong nước mắt: “Anh ấy đi, lúc đó cháu Hà 5 tuổi, cháu bị bại não bẩm sinh. Anh bảo đi xong về đưa mẹ con đi chữa bệnh, nhưng anh đi luôn đến bây giờ, đứa thứ hai không biết mặt bố. Cháu Hà nay 31 tuổi, vẫn bệnh tật. Việc thờ chồng, nuôi con tàn tật, khổ lắm”.

MC Tạ Bích Loan cầm bàn tay sạm đen, chai sạn của chị Ninh, giọng nói có nước mắt, thăm hỏi về cuộc sống hiện nay của chị. Chị cho biết, chị quyết ở vậy nuôi con, nên làm việc vượt sức mình, chăn nuôi, làm ruộng 4 sào lúa. Chị đã được xây nhà tình nghĩa.

Xây đền tưởng niệm, tri ân các gia đình liệt sĩ

Cả khán phòng chìm xuống trong câu chuyện đầy nước mắt của những thân nhân các LS Trường Sa. Đã 26 năm, ngày xảy ra trận hải chiến Gạc Ma, Trường Sa và 40 năm ngày TQ dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, các sự kiện này vẫn là vết thương chưa bao giờ lành. Đảng, Nhà nước, mọi người con đất Việt ở các tầng lớp xã hội vẫn đang dày công nghiên cứu, ngày đêm đấu tranh với mục tiêu khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Sử học TP.Đà Nẵng - được biết đến là một trong những người rất tâm huyết về vấn đề này. Tại buổi giao lưu, ông Tiếng nói rằng, hiện nay trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa còn có hàng vạn đồng bào ngư dân của chúng ta đang ngày đêm lao động, khai thác hải sản, làm ăn. Sự hiện diện của họ giống như những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc, họ cũng luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, bão tố, địch họa.

Còn ông Nguyễn Quốc Chinh - đại diện cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển, ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa - khẳng định: “Cũng như những lớp cha anh - đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - những ngư dân hôm nay không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện nay nhiều tàu TQ bắt, đánh đập ngư dân, thậm chí không cho tàu của chúng tôi vào trú bão, khiến ngư dân trắng tay, nợ nần chồng chất. Những hỗ trợ từ chính sách của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, nghiệp đoàn nghề cá... là những nguồn động viên lớn, làm yên tâm người đi biển và yên lòng người ở nhà. Chúng tôi mong được sự hỗ trợ từ đất liền để đóng tàu lớn, đoàn kết vươn khơi, bám biển, đánh bắt dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Những năm gần đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, Báo Lao Động đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện xã hội lớn, kêu gọi được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, huy động sự đóng góp lớn về tài chính để giúp đỡ ngư dân.

Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Báo Lao Động, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc gặp gỡ, giao lưu - xúc động bày tỏ: “Đây là chương trình đầu tiên kêu gọi mọi người góp sức, góp công, góp của để xây đền thờ cho chiến sĩ ở Gạc Ma, đồng thời muốn cùng nhau chăm sóc thân nhân là người mẹ, người thân các chiến sĩ. Chương trình giống như xe cát nhỏ xây con đường chúng ta tiến lại với nhau, yêu thương nhau. Trước mắt, chương trình sẽ thực hiện triển khai từ cuộc giao lưu, phát động hôm nay, kéo dài hết 1 năm. Chúng tôi sẽ huy động kinh phí để xây dựng đền tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma, đồng thời phối hợp với tổ chức công đoàn tại các địa phương để trực tiếp giúp đỡ đến từng gia đình là thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn”.

Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” đầy ân tình này vừa phát động, ngay trong ngày đầu tiên đã đón nhận được ngay sự đồng tình hưởng ứng, sự ủng hộ nồng nhiệt của đông đảo người dân, các tầng lớp xã hội. Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã tiếp nhận được hơn 1,149 tỉ đồng ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức. Tại buổi giao lưu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đã tiếp nhận tiền ủng hộ của các tổ chức, đơn vị. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng đã trao quà của chương trình cho 22 cựu binh và gia đình liệt sĩ tham gia chương trình, trị giá hơn 110 triệu đồng. Chương trình sẽ tiếp tục khảo sát từng trường hợp để có sự giúp đỡ thiết thực nhất.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng:

 Ghi nhận công ơn to lớn, chia sẻ nỗi đau của những người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội. Tổng LĐLĐVN phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để tri ân những người con đất Việt đã ngã xuống ở Trường Sa, Hoàng Sa; để lịch sử không quên tôn vinh những người đã hy sinh vì tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng tôi kỳ vọng, chương trình sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo laodong.com.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.