Tiếp cận bằng giải pháp thương lượng có nguyên tắc
Thursday, July 10, 2014 6:12 AM GMT+7
Cần nhìn lại việc Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan Hải Dương 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dùng nhiều tàu lớn, tàu quân sự uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân của chúng ta để thấy rõ những chiến lược, chiến thuật mà Trung Quốc đến nay đã sử dụng và cách chúng ta có thể vô hiệu hóa các đòn bẩy của họ.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư KN-767 của Việt Nam - Ảnh: Viễn Sự

Các chiến lược và chiến thuật Trung Quốc đã dùng

Việc Trung Quốc không ngại đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, có thái độ hiếu chiếu, khiêu khích chính là họ đang sử dụng chiến lược cạnh tranh, coi chúng ta như đối thủ và quyết tâm giành chiến thắng. Trung Quốc cũng đang sử dụng chiến lược lảng tránh để không giải quyết vấn đề, cụ thể là không trả lời các công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lảng tránh giải quyết trong hơn 30 cuộc nói chuyện mà Việt Nam chủ động tiến hành.

Về chiến thuật, họ đã trì hoãn có tính toán khi cố tình không tham gia thương lượng để thực hiện xong các hoạt động dò dầu khí trước. Trung Quốc cũng sử dụng chiến thuật tung hỏa mù thông tin trên các phương tiện đại chúng, gửi văn bản cho Liên Hiệp Quốc xuyên tạc Việt Nam đã 1.400 lần đâm va với tàu của Trung Quốc, giải thích sai công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Bắc Kinh năm 1958, tự đưa ra đường đứt khúc chín đoạn để giải thích lòng vòng mập mờ.

Chiến thuật người bạn cứng rắn cũng đang được họ dùng để đối phó với Việt Nam, cụ thể là lời nói của họ luôn thề thốt coi Việt Nam “là bạn bè”, nhưng hành động thì hiếu chiến, cố tình đâm va gây thương tích và thiệt hại cho các tàu của ta.

BATNA  (Best Alternatives to a Negotiated Agreement) là các giải pháp thay thế tốt nhất cho vấn đề đang thương lượng hoặc được chuẩn bị để dự phòng cuộc đàm phán bị thất bại. Còn đòn bẩy, với ba loại là tích cực, tiêu cực và tiêu chuẩn, là một công cụ giúp bên sử dụng gia tăng sức mạnh đàm phán.

Trong vụ việc này, Trung Quốc dùng giải pháp “sử dụng sức mạnh quân sự với lực lượng hải quân mạnh hơn để đàn áp các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam”, sử dụng loại đòn bẩy tiêu cực để nhắm vào các vấn đề mà Việt Nam muốn tránh, đó là sự đối đầu về quân sự, để giành ưu thế về lợi ích trên bàn đàm phán biển Đông.

Cụ thể, Trung Quốc đã đưa vào trái phép hàng trăm tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ, máy bay chiến đấu đến hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Họ hiểu nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ và chưa mạnh nên đe dọa siết chặt/hạn chế các quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Đồng thời, họ cũng sử dụng loại “đòn bẩy tích cực” thông qua việc rêu rao luận điệu “Trung Quốc muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp, sống hòa bình với các nước, trong đó có Việt Nam”.

Tài liệu công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Bắc Kinh năm 1958 được họ sử dụng như một đòn bẩy tiêu chuẩn, cho rằng Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền của nước này với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xác nhận.

Việt Nam cần làm nhiều việc để vô hiệu hóa các đòn bẩy của họ. Đó là (i) có giải pháp về một sự liên minh với các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc để dự phòng trong trường hợp Trung Quốc có các hành động quân sự, cũng như có các chiến lược kinh tế bền vững để không phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc; (ii) chúng ta không thương lượng với họ dựa trên niềm tin hay lời nói, như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này [chủ quyền] để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” mà phải dựa trên các nguyên tắc khách quan; và (iii) làm rõ nội dung công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Bắc Kinh năm 1958 chỉ công phận hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc, trong đó có Đài Loan, hoàn toàn không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Để giành lợi thế trong đàm phán

Để củng cố và làm vững vị thế đàm phán của Việt Nam, đầu tiên Việt Nam phải chuẩn bị BATNA của mình và luôn tìm cách làm BATNA mạnh hơn.

Cụ thể, ngoài việc buộc phải có hành động kiên quyết nếu Trung Quốc ngày càng xâm phạm chủ quyền và sinh mạng của nhân dân Việt Nam, việc đưa vấn đề tranh chấp ra một cơ quan tài phán có thẩm quyền (1) để phân xử là một BATNA tốt.  Quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo về bằng chứng để đã ra là phải thắng, bởi khi đó “chủ quyền” sẽ được quyết định bởi cơ quan tài phán đã chọn.

Khi sử dụng cách đàm phán có nguyên tắc, chúng ta sẽ “mềm mỏng với con người” nhưng “cứng rắn với vấn đề”. Cụ thể, ta sẽ không vì việc Trung Quốc hiếu chiến, chủ động đâm va các tàu của ta mà có hành động đáp trả nguy hiểm, nhưng cũng không vì việc Trung Quốc tìm cách gây sức ép, áp lực với Việt Nam trên các lĩnh vực, thậm chí xuyên tạc hay đe dọa sử dụng quân sự, mà nhượng bộ.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, nên chúng ta sẽ cứng rắn và không bao giờ thỏa hiệp.

Việt Nam, qua nhiều loại thông điệp, cần làm cho Trung Quốc hiểu rằng việc tham gia đàm phán với Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều nếu Việt Nam sử dụng BATNA của mình, cụ thể là khởi kiện Trung Quốc ra tòa án có thẩm quyền. Một câu hỏi rất nhiều người quan tâm là tổ chức nào sẽ thực thi phán quyết của tòa án nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết cuối cùng?

Ở đây, mục đích thiết thực nhất của Việt Nam khi tiếp cận theo hướng này là qua bản án của tòa án, nếu thành công, sẽ làm cả thế giới biết hành động của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền của chúng ta và sau đó, dù sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ phải tìm lý do để rút khỏi vùng biển tranh chấp nếu còn muốn giữ gìn hình ảnh của mình với quốc tế.

Việt Nam cũng có thể tập trung khai thác đòn bẩy tiêu cực, tức là “làm cho điều Trung Quốc không mong đợi không xảy ra” để đổi lấy việc Trung Quốc đồng ý vô điều kiện rút giàn khoan ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ở đây có những vấn đề quan trọng, ngoài những yếu tố khác (2), mà Trung Quốc có thể sợ hãi/e ngại là (i) thua tại tòa án có thẩm quyền; (ii) nhân dân trong nước, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế lớn phản đối và (iii) các nước nhỏ trong khu vực ASEAN liên minh.

Việt Nam cũng nên kiên trì áp dụng đòn bẩy tiêu chuẩn, tập trung vào những điều mà Trung Quốc đã cam kết hay phải tuân thủ để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng cam kết của họ. Đó là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, thừa nhận quốc gia ven biển có thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (Tuyên bố DOC năm 2002) và các tài liệu khác (3).

Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các quốc gia đã có tranh chấp với Trung Quốc (Philippines, Nhật Bản), các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển có thể sẽ rơi vào tranh chấp tương tự (Brunei, Malaysia và Đài Loan) và những nước có lợi ích kinh tế tại biển Đông (Ấn Độ, Úc và Mỹ) sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc giành được quyền kiểm soát biển Đông.

Cụ thể, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản nên nhanh chóng hướng tới xây dựng một liên minh để có tiếng nói chung, hỗ trợ về quân đội để cùng nhau bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của ba nước, tránh để Trung Quốc chia rẽ và xâm phạm biển đảo của mỗi quốc gia.

Ngoài ra, trong các hội thảo quốc tế, Việt Nam cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới. Điều này sẽ giúp tiếng nói chính trực của Việt Nam có thêm sức mạnh khi chính thức tham gia đàm phán với Trung Quốc.

Nhưng trên hết, đừng quên rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể bị phá vỡ trong quá trình thực hiện, điều đã được minh chứng thông qua việc Trung Quốc đã tham gia Tuyên bố DOC 2002 song hành động thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì họ từng cam kết.

Việt Nam phải luôn không ngừng củng cố sức mạnh nội tại của chính mình, bởi sẽ có những lúc đàm phán không thể dùng được với những bên mà với họ chỉ có sức mạnh quân sự là yếu tố để quyết định sự đúng sai. 

PHẠM QUỐC TUẤN (*)

(1): Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển cho việc khởi kiện Trung Quốc đã ngăn chặn, không cho

ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoặc tòa trọng tài được đề cập theo điều 287.5 và thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

(2): Một số điều khác mà Trung Quốc không mong đợi/sợ hãi bao gồm (i) mất uy tín với cộng đồng quốc tế; (ii) các đối tác lớn (Nga) và các đối tác thương mại không tiếp tục “chơi” với họ; và (iii) trục xuất  Trung Quốc ra khỏi các liên minh hiện nay.

(3): Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á và năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình của thế giới.

(*): thạc sĩ luật, trọng tài viên VIAC, chương trình Đàm phán Harvard.

Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.