Theo thông báo của cơ quan phòng vệ Đài Loan, vào tối 6/11, 16 máy bay chiến đấu Trung Quốc, gồm 10 máy bay J-16 và 6 máy bay J-10, đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nằm ở phía tây nam của hòn đảo, gần quần đảo Đông Sa.
2 máy bay chiến đấu J-16 (Ảnh: Weibo).
Vào tối 7/11, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết 4 máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc tiếp tục tiến vào ADIZ của hòn đảo. Tương tự lần trước đó, các máy bay Trung Quốc tiếp tục tiến vào góc tây nam ADIZ của Đài Loan.
Trong cả 2 lần nhóm tiêm kích Trung Quốc áp sát, cơ quan phòng vệ trên không của Đài Loan đã phát cảnh báo qua vô tuyến và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi.
Phía Đài Loan cho biết, quân đội Trung Quốc đã xuất kích 150 lượt máy bay chiến đấu tiến vào ADIZ của hòn đảo từ ngày 1-5/10.
Từ ngày 16/10-5/11, Trung Quốc tiếp tục triển khai máy bay chiến đấu áp sát Đài Loan gần như hàng ngày, ngoại trừ các ngày 23/10, 30/10 và 3/11, trong đó lần xuất kích kỷ lục là 8 máy bay.
Đợt áp sát Đài Loan của 16 máy bay chiến đấu Trung Quốc hôm 6/11 diễn ra chỉ một ngày sau khi phái đoàn của Nghị viện châu Âu kết thúc chuyến thăm Đài Bắc kéo dài 3 ngày.
Các nghị sĩ châu Âu ngày 5/11 tuyên bố chuyến thăm Đài Loan không phải hành động khiêu khích Trung Quốc, vì quyết định này được đưa ra dựa trên lợi ích của công dân châu Âu.
Trước đó, ngày 21/10, các nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không ràng buộc nhằm kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện các động thái cần thiết liên quan tới một thỏa thuận đầu tư với Đài Loan, cũng như tăng cường quan hệ với hòn đảo. Nghị quyết cũng kêu gọi phòng thương mại của EU tại Đài Bắc đổi tên thành văn phòng Liên minh châu Âu tại Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngay lập tức bày tỏ sự phản đối của Bắc Kinh với "bất cứ hành động can thiệp của nước ngoài nào vào Đài Loan".
Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, cần được thống nhất bằng mọi giá kể cả dùng vũ lực.
Trung Quốc và EU đạt được thỏa thuận về đầu tư hồi tháng 12 năm ngoái sau 7 năm đàm phán và dự kiến sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đóng băng trong bối cảnh quan hệ giữa 2 bên xấu đi rõ rệt trong thời gian qua.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuần trước lần đầu tiên xác nhận binh sĩ Mỹ đã hiện diện trên hòn đảo, nhưng khẳng định số lượng binh sĩ không nhiều như mọi người nghĩ.
Mỹ gần đây tái ủng hộ "cam kết vững chắc" trong việc hỗ trợ Đài Loan phòng vệ, đồng thời bày tỏ ủng hộ hòn đảo gia nhập các tổ chức quốc tế. Động thái này của Washington vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.
Văn phòng Các vấn đề Đài Loan ở Bắc Kinh ngày 5/11 cảnh báo Trung Quốc đại lục sẽ trừng phạt những đối tượng "ủng hộ ly khai" ở Đài Loan, cấm họ cùng thành viên trong gia đình tới đại lục, đặc khu hành chính Hong Kong và Macau.
Năm ngoái, Bắc Kinh thông báo đang lập danh sách đen "các phần tử đòi ly khai Đài Loan" cùng những người ủng hộ tài chính cho họ.