Theo CNBC, trong vòng bỏ phiếu chọn lãnh đạo tiếp của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh diễn ra ngày 13/7, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nhận được 88 phiếu ủng hộ trong số 358 phiếu. Trong khi đó, Quốc vụ khanh Thương mại Penny Mordaunt đứng thứ hai với 67 phiếu, và Ngoại trưởng Liz Truss đứng thứ ba với 50 phiếu.
Cựu Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, ứng viên hàng đầu kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson (Ảnh: AFP)
Ông Nadhim Zahawi, người kế nhiệm ông Sunak vào tuần trước, và cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt bị loại sau khi không đạt tối thiểu 30 phiếu bầu. Ba ứng cử viên khác tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào hôm 12/7.
Những ứng viên còn lại, trong đó có cả cựu Bộ trưởng về vấn đề bình đẳng Kemi Badenoch, Bộ trưởng Tư pháp Suella Braverman, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tom Tugendhat sẽ trải qua vòng bỏ phiếu thứ hai trong ngày 14/7.
Các cuộc bỏ phiếu tiếp theo dự kiến được tổ chức giữa các nghị sĩ đảng Bảo thủ, sẽ loại bỏ ứng cử viên có ít phiếu bầu nhất mỗi lần, cho đến khi còn hai ứng cử viên cuối cùng trước ngày 21/7. Sau đó, 200.000 thành viên đảng Bảo thủ sẽ chọn ra nhà lãnh đạo mới từ hai ứng viên đó. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 5/9.
Dù ông Sunak có thể là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất, song một cuộc thăm dò trên YouGov với gần 900 thành viên đảng Bảo thủ cho thấy bà Mordaunt mới là người họ yêu thích nhất.
Trong khi Sunak có thể là ứng viên nổi tiếng nhất với các nghị sĩ trong đảng, một cuộc thăm dò trên YouGov với gần 900 thành viên trong đảng cho thấy, bà Mordaunt thậm chí dẫn trước ông Sunak.
Ứng viên nào chiến thắng sẽ phải đối mặt với sự khó khăn bủa vây trong khi phải xây dựng lại lòng tin của cử tri sau khi Thủ tướng Boris Johnson buộc phải từ chức do hàng loạt lùm xùm trong nhiệm kỳ.
Kinh tế của Anh đang đối mặt với lạm phát tăng nhanh, tăng trưởng thấp, khiến người dân phải vật lộn với tình trạng tài chính eo hẹp nhất trong nhiều thập kỷ. Những điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine, khiến giá nhiên liệu tăng vọt.
Khi cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Bảo thủ ngày càng khốc liệt, các ứng viên đã công kích lẫn nhau và đưa ra các cam kết cắt giảm thuế để có thêm những lá phiếu ủng hộ. Về phần mình, ông Sunak cho biết, nếu trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, thủ tướng tiếp theo của Anh, ông sẽ điều hành nền kinh tế giống như cố Thủ tướng Margaret Thatcher. Ông khẳng định sẽ cắt giảm thuế một cách có trách nhiệm.