Năm 2022 đánh dấu 6 năm kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực The Haye (PCA) đưa ra phán quyết về đơn kiện của Philippines liên quan đến các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters).
Nhân dịp này, đại diện ngoại giao của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Philippines đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
Trong thông cáo đăng tải trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh: "Như tôi đã lưu ý trong bài phát biểu ngày 26/5, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cam kết duy trì một hệ thống nơi mà hàng hóa, ý tưởng và con người lưu thông tự do trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian mạng. Hệ thống này mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ. Duy trì một Biển Đông tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là một phần của tầm nhìn chung này".
Thông cáo của Ngoại trưởng Blinken cũng nêu rõ, trong phán quyết đưa ra ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã "kiên quyết bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông" và rằng "Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với các khu vực được Tòa Trọng tài xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines".
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và ngừng các hành động gây hấn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh, đối tác cũng như các tổ chức trong khu vực như ASEAN để bảo vệ và duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc", Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Hôm 12/7, Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo cũng khẳng định lại, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông là "phán quyết là cuối cùng". "Chúng tôi kiên quyết phản đối các nỗ lực phá hoại phán quyết, thậm chí xóa phán quyết khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể. Đồng thời, chúng tôi hoan nghênh ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, hiện tại và tương lai mà chúng ta cần là một Biển Đông hòa bình. Philippines cam kết thực hiện điều này chừng nào nó còn tồn tại".
Bộ Ngoại giao Nhật Bản mới đây cũng ra tuyên bố cho biết, Nhật Bản lên án mạnh mẽ các nỗ lực "đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" trên các vùng biển, cũng như chính sách ép buộc về kinh tế. Nhật Bản kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài.
Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực The Haye (PCA) về một số khía cạnh liên quan đến tranh chấp giữa hai nước này ở Biển Đông. Sau quá trình tố tụng kéo dài 3 năm, ngày 12/7/2016, trải qua 3 năm tố tụng, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết cuối cùng.
Phán quyết của Tòa đã bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, kết luận yêu sách của Trung Quốc về "đường chín đoạn" (hay "đường lưỡi bò") không có giá trị pháp lý. Đến nay, Trung Quốc vẫn không công nhận phán quyết.