Trả lời phỏng vấn truyền thông cuối tuần qua, ông James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang lún sâu vào cuộc xung đột kéo dài gần 5 tháng qua.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa một khẩu pháo tự hành ở vùng Zaporizhzhia (Ảnh: Reuters).
"Theo tôi cuộc chiến này có xu hướng kết thúc giống Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, một khu quân sự giữa hai bên, song các hành động đối đầu vẫn diễn ra, hay một cuộc xung đột đóng băng. Kịch bản này có thể diễn ra sau 4-6 tháng nữa. Không bên nào có thể trụ được ngoài ngưỡng đó", ông Stavridis nhận định.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào ngày 27/7/1953 bằng một hiệp định đình chiến. Thỏa thuận này tạo ra khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời cho phép hai bên bắt đầu tiến hành trao đổi tù binh. Điều này có nghĩa là, xét về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang tháng thứ 6 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đầu tuần này, giới chức quốc phòng Mỹ nói rằng, vũ khí mà nước này viện trợ cho Ukraine đã cho thấy "hiệu quả rõ rệt" trên chiến trường Ukraine. Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, sau khi tiếp nhận các vũ khí hiện đại, Ukraine đang tập trung tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga như các kho đạn dược, các hệ thống hậu cần cũng như trung tâm chỉ huy quân sự.
Trong khi đó, Nga liên tục thông báo phá hủy vũ khí hiện đại mà phương Tây cấp cho Ukraine, trong đó có các tổ hợp pháo phản lực HIMARS, tên lửa chống hạm Harpoon.
Kiev tin rằng, Nga cũng đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới với quy mô lớn hơn. Nga được cho là đang tập hợp lực lượng một cuộc tấn công nhằm vào Sloviansk, một thành phố quan trọng mà Ukraine vẫn kiểm soát ở miền Đông nước này.
Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh ngày 17/7 cho biết, Nga đang củng cố các vị trí phòng thủ tại các vùng đã kiểm soát ở miền Nam Ukraine. Moscow đang chuyển binh sĩ và khí tài ở các khu vực giữa Mariupol và Zaporizhzhia, cũng như ở Kherson, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh ở Melitopol. Theo Bộ Quốc phòng Anh, những động thái phòng thủ này có thể là dấu hiệu chuẩn bị trước nguy cơ Ukraine phản công ở miền Nam. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh dẫn các thông tin tình báo cũng nói rằng, Nga đang đưa các đơn vị pháo binh mới đến sát biên giới Ukraine.
Moscow chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, trong chuyến thị sát bất ngờ hôm 16/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chỉ thị các đơn vị của nước này triển khai tại Ukraine đẩy mạnh hoạt động tác chiến để ngăn chặn các cuộc tấn công vào Donbass, miền Đông Ukraine và những vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát.