Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với Moscow. Các biện pháp này được áp đặt trên hầu hết lĩnh vực với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik).
Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các doanh nghiệp và thực thể của Nga, đồng thời cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, Nga không đối mặt với những tác động kinh tế mạnh mẽ như phương Tây dự tính vì các nước lớn vẫn tiếp tục mua năng lượng giá rẻ của Nga.
Ngày 12/7, Ngoại trưởng Brazil Carlos Franca cho biết nước này muốn mua dầu diesel từ Nga với khối lượng nhiều nhất có thể để hỗ trợ ngành nông nghiệp và vận tải của Brazil.
"Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào phân bón xuất khẩu từ Nga và Belarus. Tất nhiên, Nga là một nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn", ông Franca cho biết.
Ngoài Nga, các quốc gia phương Tây cũng tìm cách trừng phạt Belarus vì nước này đã hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Brazil là quốc gia mới nhất tận dụng lợi thế từ năng lượng xuất khẩu giá rẻ của Nga vào thời điểm giá năng lượng đang leo thang trên toàn thế giới.
Trong những tuần gần đây, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ cho dù trước đó, hai nước hầu như không phụ thuộc vào nhau về năng lượng.
Nga cũng vượt qua Ả rập Xê út để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Nga đã cung cấp 2,02 triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc hồi tháng 5, so với 1,31 triệu thùng vào tháng trước, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc.
"Những dự đoán rằng dầu thô của Nga sẽ dừng giao dịch trên thị trường quốc tế đã không xảy ra. Thay vào đó, dầu thô Nga được giảm giá sâu đã chuyển hướng sang các thị trường thay thế", Wei Cheong Ho, phó chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định.
Kể từ khi phương Tây áp lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ưu tiên hợp tác thương mại với BRICS, một khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, như một thị trường mới nổi thay thế cho phương Tây.
Tổng thống Putin đã gặp các nhà lãnh đạo BRICS vào tháng trước và cho biết kim ngạch thương mại với các nước này đã tăng 38% từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Moscow đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng việc yêu cầu những "quốc gia không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga nếu không sẽ bị cắt nguồn cung.
Nga đã dừng cung cấp khí tự nhiên cho một số nước châu Âu do họ từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Các nước châu Âu, trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc này.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin hồi tháng 6 tuyên bố, Mỹ và EU đã dùng hết "kho công cụ để kìm hãm sự phát triển của Nga", sau khi EU tung ra gói trừng phạt thứ 6 chống lại Moscow.
Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây ra hàng loạt vấn đề phức tạp cho Nga, nhưng đồng thời khiến Nga trở nên mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực. Ông Putin khẳng định Nga không có ý định cô lập nền kinh tế nước này với phần còn lại của thế giới và đã đối phó với lệnh trừng phạt bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quan trọng bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.