"Triều Tiên không nhận được gì từ chúng tôi khi họ công nhận Crimea là một phần của Nga, họ không viết séc cho chúng tôi sau mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ chúng tôi tại Liên Hợp Quốc hoặc bất kỳ diễn đàn quốc tế nào khác", Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora nói trong cuộc phỏng vấn hôm 18/7.
Đại sứ Triều Tiên tại Nga Sin Hong-chol trao văn kiện công nhận độc lập cho vùng ly khai Donetsk cho người đứng đầu cơ quan đại diện Donetsk tại Moscow, bà Olga Makeyeva (Ảnh: EPA).
Theo ông Matsegora, lãnh đạo Triều Tiên coi "cuộc chiến ở vùng Donbass chống lại chính quyền dân tộc chủ nghĩa là chính đáng" và coi chính quyền Kiev là "con rối của Washington".
Đại sứ Matsegora cho rằng Triều Tiên luôn làm những gì nước này cho là đúng đắn trên trường quốc tế, thậm chí đôi khi còn gây tổn hại cho chính họ.
"Triều Tiên là một trong số rất ít quốc gia có thể có chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập", nhà ngoại giao Nga nhận định.
Triều Tiên ngày 13/7 tuyên bố công nhận độc lập cho vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Triều Tiên là quốc gia thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Syria, công nhận độc lập cho các vùng lãnh thổ này.
Đáp lại động thái trên, Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Kiev coi quyết định của Bình Nhưỡng là "nỗ lực gây ảnh hưởng tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vi phạm hiến pháp Ukraine, hiến chương Liên Hợp Quốc và các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".
Bình Nhưỡng cho rằng, Ukraine không có quyền đưa ra hoặc tranh luận về việc Triều Tiên "thực hiện quyền chủ quyền chính đáng" sau khi Kiev cùng với Mỹ thực hiện những chính sách thù địch chống lại quốc gia châu Á này.
Hồi tháng 2, chỉ vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR) thuộc vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Cuối tháng trước, Syria, một đồng minh của Nga, cũng đưa ra quyết định tương tự.
Hai vùng Lugansk và Donetsk đã tuyên bố ly khai khỏi Ukraine từ năm 2014 sau cuộc đảo chính quân sự dẫn tới chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và phe ly khai ở Donbass dai dẳng suốt 8 năm qua.
Chính quyền Nga tuyên bố một trong những mục tiêu khiến nước này quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là nhằm bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga bị phân biệt đối xử ở Donbass, cũng như 2 vùng Lugansk và Donetsk.
Đầu tháng 6, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cho biết 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia có thể tổ chức trưng cầu dân ý vào mùa hè này để quyết định việc có sáp nhập vào Nga hay không.
Chiến sự tại Donbass vẫn đang diễn ra quyết liệt và Nga vẫn đang chiếm ưu thế nhờ trội hơn hẳn về hỏa lực. Nga và lực lượng thân Moscow hiện đã kiểm soát phần lớn vùng Donbass và có thể tiến đến mở hành lang trên bộ nối đất liền Nga với khu vực bán đảo Crimea qua miền Đông Ukraine.