"Họ đang cố gắng dựng lên những rào cản để kìm hãm sự phát triển của chúng tôi. Rõ ràng, đây là thách thức rất lớn đối với đất nước chúng tôi", Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp nội các hôm 18/7.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik).
"Chúng tôi không những không từ bỏ, hoặc như một số "nhà thông thái" dự đoán là thụt lùi về một vài thập niên trước. Ngược lại, khi nhận ra những khó khăn khổng lồ mà chúng tôi phải đối mặt, chúng tôi sẽ tìm kiếm các giải pháp mới, sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ công nghệ mà chúng tôi đang có cũng như phát triển các công ty trong nước", ông Putin tuyên bố.
Tổng thống Putin khẳng định những nỗ lực để tách Nga khỏi phần còn lại của thế giới là "không khả thi". Ông cho biết Nga sẽ phát triển công nghệ nội địa và các công ty công nghệ.
"Rõ ràng, chúng ta không thể phát triển tách biệt với phần còn lại của thế giới, chúng ta sẽ không như vậy. Trong thế giới hiện đại, không thể dựng một hàng rào khổng lồ. Điều đó là không thể", ông Putin nói thêm.
Tổng thống Putin đầu tháng 7 tuyên bố "các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây ra tổn thất lớn hơn cho những quốc gia áp đặt chúng". Ông Putin cũng coi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga như một lời tuyên chiến kinh tế.
Theo ông Putin, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Nga nói rằng những lời kêu gọi của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đã khiến thị trường toàn cầu "phát sốt" với giá dầu và khí đốt tăng vọt.
Ông Putin nói rằng chiến dịch kinh tế "chớp nhoáng" của phương Tây đã thất bại, nhưng thừa nhận nền kinh tế Nga cũng phải hứng chịu thiệt hại.
Nga liên tiếp hứng lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Moscow đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng việc yêu cầu những "quốc gia không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga nếu không sẽ bị cắt nguồn cung. Nga cho đến nay đã cắt nguồn cung khí đốt cho Hà Lan, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu, nhưng Moscow có thể bù đắp lại thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.
Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng.
Bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây, giới chức Nga tuyên bố sẽ triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine đến cùng và đạt được mục tiêu đề ra.