"Nga sẽ đạt được mọi mục tiêu đề ra. Sẽ có thỏa thuận hòa bình nhưng theo các điều khoản của chúng tôi", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram ngày 19/7.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: RT).
Bình luận của ông Medvedev đưa ra không lâu sau khi ông Yuri Ushakov, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, nói rằng Nga sẽ đưa ra những điều kiện thậm chí khắt khe hơn với Ukraine nếu hai bên nối lại hòa đàm. Theo quan chức này, Moscow và Kiev vốn đã đạt được một số kết quả sau cuộc đàm phán hồi tháng 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó, Ukraine đã phá vỡ. "Nếu nối lại đàm phán, các điều khoản sẽ hoàn toàn khác", ông Ushakov nói, song không cung cấp thêm chi tiết.
Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đóng băng kể từ cuối tháng 3. Đến nay, hai bên tiếp tục bất đồng về các điều khoản đi tới thỏa thuận hòa bình. Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ. Hồi đầu tháng này, cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, đưa ra những điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga bao gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh.
Trả lời phỏng vấn Forbes Ukraine ngày 18/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cáo buộc các hành động của Nga là lý do khiến các cuộc đàm phán hòa bình không thể diễn ra. "Tôi nói với tất cả đối tác một điều đơn giản rằng: Nga nên ngồi xuống bàn đàm phán sau thất bại trên chiến trường. Nếu không, sẽ lại xuất hiện các tối hậu thư", ông Kuleba nói thêm.
Việc các bên đưa ra lập trường khác nhau khiến cho các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine rơi vào bế tắc, giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt. Giới chức Ukraine cho hay, những ngày gần đây, Nga tăng cường pháo kích, tập kích tên lửa vào mục tiêu trên khắp Ukraine và Moscow dường như đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới. Theo Ukraine kể từ đầu chiến dịch đến nay, Nga đã khai hỏa hơn 3.000 tên lửa ở nước này.
Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí tầm xa hiện đại hơn, uy lực hơn để đối phó thế áp đảo cả về hỏa lực và binh sĩ của Nga. Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov hôm nay cho biết, nước này có thể sắp được viện trợ tên lửa tầm xa hơn cho các tổ hợp pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Gần đây, Ukraine bắt đầu sử dụng HIMARS để tấn công các mục tiêu quan trọng trong các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát như kho nhiên liệu, kho đạn, trung tâm chỉ huy quân sự.