Reuters trích dẫn một bức thư Gazprom gửi cho các khách hàng châu Âu hôm 14/7 trong đó có viết rằng, tập đoàn này có thể không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt trong tương lai vì tình huống "bất thường", "bất khả kháng".
Đường ống thuộc dự án Dòng chảy Phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức (Ảnh: Reuters).
Thông tin này diễn ra trong bối cảnh, Dòng chảy phương Bắc 1 - đường ống chủ chốt đưa khí đốt từ Nga sang Đức đang trong quá trình bảo trì định kỳ kéo dài 10 ngày.
Theo các chuyên gia, thông điệp trong bức thư của Gazprom làm dấy lên tâm lý lo ngại tại châu Âu rằng Moscow có thể sẽ không khởi động lại Dòng chảy Phương Bắc 1 sau khi thời gian bảo trì kết thúc, như một động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt châu Âu áp lên Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bất khả kháng là một điều khoản được quy định trong các hợp đồng kinh doanh và xác định các kịch bản có thể khiến một bên không phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý của họ. Tuyên bố của Gazprom không có hoàn toàn ám chỉ là họ sẽ ngừng bơm khí đốt sang châu Âu mà có nghĩa là Gazprom sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu họ không đáp ứng được các điều khoản hợp đồng.
Hans van Cleef, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp tại ABN Amro cho biết: "Điều này có vẻ như là một gợi ý đầu tiên rằng nguồn cung cấp khí đốt qua Dòng chảy Phương Bắc 1 có thể sẽ không tiếp tục nối lại sau khi thời gian bảo trì kéo dài 10 ngày kết thúc".
Nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm thông qua các tuyến đường ống chính trong vài tháng qua, bao gồm cả đường ống chạy qua Ukraine và Belarus cũng như thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dưới Biển Baltic.
Chuyên gia van Cleef cảnh báo rằng nếu Nga quyết định không cấp lại khí đốt sang Đức sau 10 ngày bảo trì, đó có thể xem là một bước đi làm leo thang căng thẳng kế tiếp giữa Moscow và châu Âu.
Các công ty năng lượng Đức có giao dịch với Gazprom đã nhận được lá thư từ tập đoàn này và bày tỏ lo ngại về viễn cảnh châu Âu tiếp tục thiếu khí đốt và giá mặt hàng này tiếp tục phá đỉnh.
Trước đó, hồi tháng 6, Gazprom đã cắt 40% khí đốt chảy qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1. Khi đó, Nga đã giải thích với các khách hàng rằng họ phải làm vậy vì tình huống bất khả kháng.
Gazprom lý giải, các lệnh trừng phạt bao gồm việc Canada không trao trả tua-bin khí đốt, đã khiến tập đoàn trên phải giảm nguồn cung sang Đức. Cuối cùng, Canada đã quyết định trả lại tua-bin này - động thái khiến Ukraine chỉ trích mạnh mẽ.
Nhà Trắng cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt tự nhiên như là "vũ khí kinh tế và chính trị", đồng thời cam kết rằng Mỹ sẽ hỗ trợ châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch Nga.
Trong khi đó, với Nga và Gazprom, xuất khẩu khí đốt sang châu Âu được xem là một trong những hoạt động mang lại khoản doanh thu thiết yếu trong bối cảnh Moscow đang hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.