"Bây giờ, mục tiêu chính của chúng tôi là chiến thắng. Để làm được điều này, chúng tôi phải đáp ứng cho quân đội mọi thứ họ cần. Quân đội có mọi thứ, ngoại trừ trang thiết bị và vũ khí đầy đủ", Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraine Andrey Yermak cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 19/7.
Binh sĩ Ukraine tấn công mục tiêu của Nga ở Kharkov (Ảnh: AP).
Kể từ tháng 2 khi chiến sự bắt đầu nổ ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấp hơn 55 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Tổng thống Biden ngày 9/5 đã ký thông qua Đạo luật Lend - Lease 2022 (Cho vay - Cho thuê), đạo luật vốn được Mỹ sử dụng trong Thế chiến II để cung cấp vũ khí cho các nước đồng minh. Động thái này nhằm tạo điều kiện viện trợ quân sự không giới hạn cho Ukraine.
"Nhiệm vụ chính của Đạo luật (Cho vay - Cho thuê) là chúng tôi có được mọi thứ đúng hạn. Điều quan trọng đối với chúng tôi là không để (xung đột) kéo dài sang mùa đông. Sau mùa đông, khi Nga có thêm thời gian, chắc chắn mọi thứ sẽ khó khăn hơn", ông Yermak cảnh báo.
Khi được hỏi liệu quân đội Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực ven bờ Biển Đen trước mùa đông hay không, ông Yermak không trả lời trực tiếp, thay vào đó nói rằng "mục tiêu của chúng tôi chắc chắn là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của chúng tôi". Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov nói với báo Sunday Times của Anh hồi đầu tháng rằng Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực ven bờ Biển Đen trước mùa đông.
"Đó là công việc khó khăn, khi đối phương có nhiều vũ khí và nhân lực hơn", Bộ trưởng Reznikov cho biết.
Theo ước tính của ông Reznikov, Ukraine cần khoảng 50 hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS từ Mỹ để chặn đà tiến công của quân đội Nga và 100 hệ thống này để tiến hành một cuộc phản công.
Cho đến nay, Washington đã cung cấp cho Ukraine 8 hệ thống HIMARS. Nhà Trắng hôm 19/7 tiết lộ gói viện trợ quân sự mới sẽ được công bố trong tuần này, trong đó có nhiều hệ thống HIMARS hơn.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 6 nhận định "với tình hình hiện tại do cuộc xung đột với Nga, mùa đông tới sẽ là mùa đông khó khăn nhất từ trước đến nay với Ukraine". Ông lý giải, Ukraine sẽ phải đối mặt với các vấn đề làm sao mua đủ lượng khí đốt, tích lũy đủ than đá, điện để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông.
Tổng thống Zelensky cho biết, chính phủ của ông dự kiến sẽ tu sửa các nhà máy điện và hệ thống sưởi ấm đã bị hư hại hoặc phá hủy sau các đợt tấn công của Nga.
Chiến sự kéo dài 5 tháng qua đã phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine. Giới chức nước này ước tính, thiệt hại về vật chất đối với nền kinh tế đã lên tới 600 tỷ USD. Hoạt động giao thương của Ukraine gần như đóng băng do các cảng biển then chốt bị phong tỏa, các tuyến đường sắt bị hư hại.
Hồi cuối tháng 4, người đứng đầu Ủy ban Năng lượng và dịch vụ công cộng của quốc hội Ukraine, ông Andriy Herus, khẳng định, nước này vẫn còn đủ khí đốt và điện, khi lượng khí đốt được tiêu thụ thấp hơn so với mức sản xuất, song tình trạng này sẽ khó duy trì đến cuối mùa thu. Nếu chiến sự tiếp tục kéo dài, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng của Ukraine sẽ là một thách thức rất lớn.