Theo nguồn tin từ Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm 17/8, các cuộc đàm phán giữa hai bên về một sáng kiến thương mại song phương mới sẽ khởi động vào đầu mùa thu này.
Bên trong nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan - Ảnh: AFP
Sáng kiến mới này, có tên gọi "Sáng kiến Mỹ - Đài Loan về Thương mại thế kỷ 21", được khởi động đàm phán nhằm đạt được các thỏa thuận "có ý nghĩa kinh tế.
Washington cũng muốn xây dựng sự ủng hộ đối với Đài Loan và đảm bảo năng lực phục hồi của chuỗi cung ứng quan trọng này, trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển Đài Loan ngày càng leo thang.
Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi thương mại, các biện pháp quản lý, tiêu chuẩn chống tham nhũng, gỡ bỏ các rào cản phân biệt đối xử trong thương mại, tăng cường trao đổi sản phẩm nông nghiệp và các vấn đề khác.
Dự kiến, vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các kế hoạch đàm phán không đề cập đến khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do rộng rãi, điều mà Đài Loan đang rất nóng lòng đạt được.
Cơ quan đàm phán thương mại của Đài Loan tuyên bố mong muốn củng cố nền kinh tế của hòn đảo này qua thúc đẩy buôn bán sản phẩm nông nghiệp và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng sang thị trường Mỹ.
Chính quyền hòn đảo cũng hy vọng tăng cường sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó giúp họ "thu hút nguồn vốn và công nghệ từ Mỹ và thế giới".
Sáng kiến thương mại trên đã được Mỹ và Đài Loan công bố từ đầu tháng 6, chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn không bao gồm Đài Bắc.
Thông báo về các vòng đàm phán lần này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực tăng cao, với việc Trung Quốc tiếp tục các cuộc tập trận quân sự răn đe Đài Loan.
Chính phủ Mỹ, mặc dù không có các mối quan hệ ngoại giao chính thức, vẫn muốn tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, đặc biệt là khi hòn đảo này phải đối mặt với áp lực lớn từ chính phủ Trung Quốc đại lục.
Đài Loan sản xuất hầu hết các chất bán dẫn công nghệ cao nhất trên thế giới, được sử dụng trong các thiết bị điện tử, từ đồ chơi, điện thoại cho đến ô-tô.
Trong cuộc họp báo vào sáng 17/8, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Daniel Kritenbrink cho biết các cuộc đàm phán thương mại như thế này mang lại "cơ hội để hỗ trợ Đài Loan xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo… chuỗi cung ứng".
Nhấn mạnh vai trò của hòn đảo này, ông Kritenbrink cho biết, Đài Loan có "vai trò ngày càng trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu" và hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển này là "rất quan trọng".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang không mặn mà với các hiệp định thương mại tự do này, một hiệp định về thúc đẩy thương mại có thể chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.