Theo South China Morning Post, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/8 cho biết, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận hợp tác Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) với 149 quốc gia, 32 tổ chức quốc tế tính đến ngày 4/7 với tổng cộng 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.
Cảng nước sâu Hambantota ở thành phố Colombo của Sri Lanka (Ảnh: AFP).
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết Trung Quốc ước tính rót 932 tỷ USD cho BRI trong đó 561 tỷ USD dành cho các hợp đồng xây dựng, còn lại là vốn đầu tư khác.
BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào tháng 9/2013 nhằm tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên tuyến đường từ châu Á sang châu Âu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sáng kiến này nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng và khu vực thông qua các dự án cho vay xây dựng hạ tầng như đường bộ, sân bay, cảng biển và các hạ tầng khác.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng gọi đây là "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh, song Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Theo nghiên cứu kéo dài 4 năm của Đại học William và Mary (Mỹ), BRI của Trung Quốc đã khiến hơn 100 quốc gia có thu nhập từ thấp đến trung bình mắc nợ lên đến 385 tỷ USD. Do gánh nặng nợ nần, năm 2017, chính phủ Sri Lanka quyết định bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm.
Nghiên cứu nói rằng, ngày càng có nhiều nước ngừng hoặc hủy dự án BRI vì lo ngại đội giá, tham nhũng và nợ nần kéo dài. Malaysia đã hủy các dự án trị giá 11,58 tỷ USD từ năm 2013-2021, Kazakhstan hủy dự án 1,5 tỷ USD và Bolivia là hơn 1 tỷ USD.