Bloomberg đưa tin, trao đổi với báo giới, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo ngày 22/8 cảnh báo châu Âu rằng: "5-10 mùa đông tới sẽ khó khăn. Tình hình đang rất khó khăn trên toàn châu Âu. Nhiều lĩnh vực đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng cao".
Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu hàng chục năm qua (Ảnh: Reuters).
Theo Bloomberg, bình luận của nhà lãnh đạo Bỉ được đưa ra trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 15 lần so với mức trung bình vào thời điểm mùa hè trước nguy cơ Nga có thể cắt nguồn cung trong thời gian tới. Giá điện cũng tăng vọt.
Trước đó, một quan chức Bỉ cảnh báo, rủi ro lớn nhất từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine - vốn đã kéo dài 6 tháng qua - chính là nguy cơ châu Âu mất sự đoàn kết do cuộc khủng hoảng năng lượng. Giá dầu và khí đốt tăng vọt có thể làm suy yếu thị trường năng lượng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc châu Âu thực hiện các mục tiêu về đối phó biến đổi khí hậu tới năm 2050.
Trong một diễn biến gần nhất, quốc gia thành viên EU là Bulgaria tuyên bố sẽ đàm phán để mua lại khí đốt của Nga sau vài tháng bị Moscow khóa van cung cấp do Sofia từ chối thanh toán mặt hàng này bằng đồng rúp.
Giới chức Bulgaria thừa nhận, các doanh nghiệp nước này không thể chống chịu được với giá năng lượng tăng vọt và đối mặt với hàng loạt khó khăn, vì vậy việc đàm phán lại để Nga cấp lại khí đốt - dù rất khó khăn - là điều không thể tránh khỏi.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng vốn là "xương sống" trong nền kinh tế của Moscow. Mục tiêu của các động thái này là nhằm gây áp lực lên Nga. Tuy nhiên, Nga với vị thế của một siêu cường năng lượng, vẫn đang chống chịu được với các biện pháp trên và thậm chí còn thu được nhiều doanh thu hơn từ lĩnh vực này do giá cả tăng phi mã. Trong khi đó, châu Âu - bên phụ thuộc vào năng lượng Nga trong nhiều thập niên - đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng diện rộng, làm lạm phát tăng vọt ở nhiều nước.