“Nền móng” của kiến trúc an ninh
Gần đây, Diễn đàn chính sách xã hội châu Á - Thái Bình Dương (APPS) đã đăng tải bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó cho thấy ASEAN có vai trò vô cùng quan trọng trong giải quyết các tranh chấp khu vực, bao gồm tranh chấp ở Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) vào đầu tháng 8 vừa qua. Ảnh: TTXVN
Vai trò trung tâm ASEAN đã được pháp điển hóa, là mục tiêu và cũng là nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của khối ngay từ khi Hiến chương ASEAN được chính thức tuyên bố và có hiệu lực từ tháng 12/2008. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy, vai trò trung tâm ASEAN được hiểu là động lực chính trong quan hệ với các đối tác, hướng tới việc xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ.
Trên thực tế, ASEAN đã và đang đóng vai trò vô cùng to lớn trong nỗ lực quốc tế gìn giữ hòa bình của khu vực, bao gồm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông xuyên suốt thời gian qua. Cùng với đó, ASEAN được cộng đồng quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới và đã hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ diễn đàn nào khác trong việc quản lý các xung đột tiềm tàng, đồng thời thúc đẩy ý thức về an ninh tại khu vực Biển Đông. Nhiều năm qua, ASEAN đăng cai tổ chức các diễn đàn an ninh đa phương chính thức quan trọng bậc nhất của toàn khu vực.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong vấn đề Biển Đông xuyên suốt ít nhất 2 thập kỷ qua là việc ASEAN nỗ lực đàm phán với Trung Quốc, ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Dù việc thực thi DOC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng văn kiện này vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là đóng vai trò nền tảng cho an ninh Biển Đông trong tương lai.
Cộng đồng quốc tế đều công nhận rằng, ASEAN luôn có một chỗ đứng quan trọng bậc nhất trong vấn đề Biển Đông. Đặc biệt là việc các nhà hoạch định chính sách khu vực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông sẽ giúp an ninh của khu vực được cải thiện hiệu quả.
Ở ngoài khu vực Đông Nam Á, vai trò trung tâm của ASEAN cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi quản lý xung đột tiềm tàng giữa các nước lớn, đồng thời là “nền móng” trong việc xây dựng kiến trúc an ninh cho phần còn lại của châu Á - Thái Bình Dương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy khẳng định, các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đã không leo thang căng thẳng và xảy ra đối đầu quân sự. Điều này có được là nhờ sự can thiệp và việc tổ chức các diễn đàn an ninh đa phương chính thức có ý nghĩa của ASEAN.
Đoàn kết hướng đến những mục tiêu lớn lao
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy thẳng thắn nhìn nhận, ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị chia rẽ nếu không đạt được sự thống nhất trong hành động và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Theo ông Sujan Chinoy, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (Ấn Độ), Đông Nam Á nằm giữa 2 đại dương lớn nên ASEAN có vị trí chiến lược trung tâm quan trọng. Thời gian qua, ASEAN đã tách biệt giữa sự phụ thuộc về kinh tế với những lựa chọn giải pháp nhằm đảm bảo an ninh. Với sự hiện diện của nhiều thế lực lớn tại khu vực, vai trò trung tâm ASEAN không chỉ là triết lý chung, mà còn là thực tế về mặt địa lý.
Ông Sujan Chinoy cho rằng, khai thác tài nguyên và kết nối các tuyến đường biển tại khu vực Đông Nam Á đang là vấn đề chính trong các tham vọng khai thác lợi ích tại khu vực.
Nhận định về vấn đề Biển Đông, ông Sujan Chinoy cho rằng, hiện có nhiều sự cạnh tranh đang diễn ra, tình hình thực địa gia tăng căng thẳng. Trong bối cảnh đó, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là khuôn khổ pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp.
Nhiều học giả quốc tế nghiên cứu về an ninh biển cùng cho rằng, với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, sự giao thoa bất đồng giữa các cường quốc cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Từ đó, hàng loạt liên minh đa phương được hình thành hoặc cải tổ nhằm ứng phó với những thách thức mới. Nổi bật trong thời gian gần đây là sự phát triển của nhóm Bộ Tứ (QUAD), cũng như sự ra đời của liên minh AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ).
Trong hàng loạt tổ chức đa phương đang có tầm ảnh hưởng nhất định, ASEAN vẫn được đánh giá là có vai trò trung tâm và quan trọng nhất tại khu vực. Mặc dù mức độ thành công còn khiêm tốn, song ASEAN đã và đang không ngừng vượt qua các thách thức, được đánh giá là diễn đàn tốt nhất hiện nay trong giải quyết tranh chấp. ASEAN đang tích cực quản lý tiến trình hòa bình giữa các bên xung đột tại Biển Đông.
Đối với các nước tương đối nhỏ, việc đoàn kết với nhau để tạo nên một ASEAN lớn mạnh là cách duy nhất để cùng trở thành một nhân tố hòa giải, trung gian của thế giới. Vì vậy, tầm quan trọng của ASEAN cần được phản ánh trong các diễn đàn khu vực do ASEAN lãnh đạo nhiều hơn nhằm thúc đẩy sự gắn kết khu vực, hội nhập kinh tế và quan trọng nhất là nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.
Một trong những vấn đề quan trọng trong nội tại của ASEAN hiện nay là không được để tham vọng ngoại giao của các cường quốc làm xói mòn những thành quả của khối trong việc hình thành một cấu trúc an ninh ở Biển Đông. Vai trò trung tâm của ASEAN vốn có nền tảng từ những thành quả hợp tác hiệp hội đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển.
Đối với cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia cho rằng, các nhà hoạch định chính sách an ninh trong và ngoài khu vực Đông Nam Á cần tiếp tục hỗ trợ việc ASEAN tham gia giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Song hành với đó là đóng góp nhiều hơn nữa để giúp ASEAN đạt được thành công trong sứ mệnh quan trọng với tương lai ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Theo bienphong.com.vn