Theo một bản ghi nhớ của Nhà Trắng được gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 600 triệu USD cho quân đội Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Binh sĩ Ukraine nhận viện trợ quân sự (Ảnh: AFP).
Một số nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng, gói vũ khí mới dự kiến sẽ cung cấp đạn dược cho quân đội Ukraine, trong đó có đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Theo hai nguồn tin giấu tên, gói viện trợ mới của Mỹ cũng bao gồm đạn dược cho các lựu pháo của Ukraine.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS và M270 MLRS cũng như đạn pháo cho phép Kiev tấn công các mục tiêu cách xa tới 80km. Những vũ khí này đã giúp Ukraine thực hiện các cuộc tập kích nhắm vào các mục tiêu quân sự nằm sâu sau chiến tuyến của Nga như kho nhiên liệu, đạn dược, tuyến đường tiếp vận, tạo đà cho chiến dịch phản công.
Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Lầu Năm Góc xác nhận, Mỹ đã viện trợ an ninh hơn 17,2 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2014 cùng với 14,5 tỷ USD kể từ tháng 2 năm nay. Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ mới trị giá 675 triệu USD, trong đó có đạn pháo, xe bọc thép, mìn cùng những khí tài khác.
Theo Financial Times, một số đồng minh phương Tây đã ủng hộ cuộc phản công thành công của Ukraine ở khu vực Kharkov, buộc Nga phải rút quân vào tuần trước. Do vậy, các nước này đề xuất gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Các quốc gia phương Tây trước đây từng từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với các lý do như mất nhiều thời gian đào tạo phi công Ukraine, các vấn đề về bảo dưỡng các hệ thống vũ khí tiên tiến trên mặt đất và nguy cơ leo thang xung đột với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này tuyên bố, các lực lượng Ukraine đã đạt được "tiến bộ đáng kể" nhờ sự hỗ trợ của phương Tây. Các nước phương Tây đảm bảo rằng Ukraine có trong tay các thiết bị cần thiết để tiến hành cuộc phản công này.
Trong thời gian gần đây, khi quân đội Ukraine đang phải căng mình trên nhiều mặt trận nhằm phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam và phòng thủ trước đà tiến công của Nga ở vùng Donbass tại miền Đông, các đồng minh phương Tây liên tục viện trợ thêm vũ khí nhằm tiếp sức cho Kiev.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/9 cảnh báo nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, Washington sẽ bị coi là vượt lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào xung đột.
Bà Zakharova cáo buộc Mỹ muốn kéo dài xung đột ở Ukraine, kiểm soát tình hình ở đây càng lâu càng tốt. Nhà ngoại giao Nga gọi đó là dấu hiệu cho thấy Mỹ "can dự trực tiếp vào cuộc chiến". Bà cũng cho rằng Washington đang tìm cách "gây bất ổn toàn cầu", "kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới".