Các bộ trưởng năng lượng từ các quốc gia thành viên EU hôm 9/9 đã nhóm họp để thảo luận về các lựa chọn khác nhau nhằm giảm gánh nặng do giá năng lượng đang tăng cao kỷ lục đè lên các doanh nghiệp và hộ gia đình. Đây được đánh giá là một vấn đề rất cấp bách.
Giá khí đốt tại châu Âu đang tăng cao kỷ lục (Ảnh: Getty).
Chi phí điện của châu Âu đã tăng cao trong năm 2021, do giá khí đốt lên mức cao kỷ lục khi Nga hạn chế nguồn cung sang châu Âu.
Các nước châu Âu đã cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng để "tống tiền", nhằm trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga khẳng định, việc cắt giảm này là do các biện pháp trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật của phương Tây.
Việc thay đổi hệ thống năng lượng của 27 quốc gia EU có thể phức tạp và lâu dài, vì hoạt động buôn bán hàng hóa năng lượng xuyên biên giới giữa các thành viên đã mất hai thập niên để hình thành và ổn định.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách đang chạy đua để tìm ra giải pháp ngắn hạn.
Đây là lý do tại sao châu Âu đang xem xét cải cách thị trường năng lượng và những gì họ có thể làm để giảm chi phí năng lượng cao kỷ lục.
Vì sao giá điện gắn với giá khí đốt?
Theo Reuters, trong hệ thống năng lượng của EU, giá điện do nhà máy điện có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tổng thể đưa ra.
Tại châu Âu, các trang trại điện gió, nhà máy điện hạt nhân, than, khí đốt và tất cả nhà sản xuất điện khác tham gia vào thị trường điện.
Các nguồn nhiêu liệu rẻ nhất đứng đầu hệ thống năng lượng EU, tiếp theo là các nguồn đắt hơn như khí đốt. Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt thường định giá điện trong hệ thống này.
Nguyên nhân là bởi vì tất cả các máy sản xuất điện đều bán điện ở cùng một mức giá, nên các nhà máy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo rẻ hơn sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn hơn.
Đây là một yếu tố kích thích thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào sản xuất điện tái tạo mà châu Âu cần để đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các quốc gia như Tây Ban Nha cho rằng, hệ thống này là không công bằng, vì dẫn đến tình trạng năng lượng tái tạo giá rẻ được bán cho người tiêu dùng lại bằng giá điện có nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch đắt hơn.
Giá khí đốt đã tăng vọt do Nga cắt giảm khối lượng vận chuyển sang châu Âu và trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt đối với khí đốt không phải chỉ của Nga. Tác động là làm tăng giá sản xuất điện từ khí đốt ở châu Âu, dẫn đến giá điện nói chung cao hơn.
Hợp đồng điện chuẩn của Đức cho năm 2023 đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.050 euro cho 1 megawatt giờ vào cuối tháng 8, gấp 14 lần mức một năm trước, mặc dù giá đã giảm một phần.
Các yếu tố khác thúc đẩy giá điện bao gồm các vấn đề với các nhà máy hạt nhân của Pháp và hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu đã cản trở sản lượng thủy điện và ảnh hưởng đến việc cung cấp than.
EU có thể thay đổi giá năng lượng thế nào?
Ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EC sẽ đề xuất giới hạn doanh thu đối với các nhà máy sản xuất điện không chạy bằng khí đốt.
Giá điện tăng vọt giúp các máy phát điện không dùng khí đốt với chi phí vận hành rẻ hơn, như trang trại gió và nhà máy hạt nhân, bội thu. Bà Leyen cho rằng, các nước nên sử dụng trần giá với các nhà máy này để giảm bớt những khoản thu đó và dành tiền để giảm hóa đơn điện cho người dân.
Dự thảo đề xuất của Ủy ban cho biết, mức trần sẽ là 200 euro mỗi megawatt giờ - thấp hơn một nửa giá điện bán buôn hiện tại ở Đức.
Và các trang trại năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhà máy điện sinh khối, nhà máy điện hạt nhân và máy phát điện than sẽ là trong số những nhà máy bị ảnh hưởng.
Trần giá sẽ được áp dụng và các khoản thu vượt mức được thu hồi lại sau khi thanh toán hết các hóa đơn điện, vì vậy, biện pháp này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến giá trên thị trường buôn bán điện của châu Âu, dự thảo có thể thay đổi trước khi được công bố.
Cộng hòa Séc, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, cũng đã đưa ra các phương án như giới hạn giá trần khí đốt nhập khẩu từ một số quốc gia nhất định, áp giá trần khí đốt được sử dụng để sản xuất điện hoặc tạm thời loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện hành của EU.
Bất kỳ chính sách hoặc luật mới nào của EU đều cần được các nước trong liên minh phê duyệt.
Ý tưởng áp giá trần khí đốt hoặc điện từ lâu đã được Tây Ban Nha, Bỉ và các nước khác ủng hộ và đến hiện nay là các quốc gia ban đầu miễn cưỡng như Áo và Đức cũng đã ủng hộ. Pháp nằm trong số các quốc gia ủng hộ tách giá khí đốt và giá điện.
Bà Leyen cũng cho biết, EC sẽ đề xuất mức trần giá cụ thể đối với khí đốt từ Nga, một động thái nhằm cắt giảm doanh thu mà Moscow nhận được từ việc bán nhiên liệu.
Tuy nhiên, một số quốc gia tỏ ra cảnh giác và nói rằng điều này có nguy cơ khiến Moscow đáp trả bằng cách ngừng hoàn toàn nguồn cung đang cạn kiệt mà nước này vẫn chuyển đến cho châu Âu.
Một lựa chọn khác có thể là để các chính phủ áp giá trần khí đốt và trả cho các công ty khí đốt khoản chênh lệch giữa giá trần và giá thị trường cao hơn.
Các quốc gia như Đức và Hà Lan trước đây đã phản đối điều đó vì họ sẽ phải trợ cấp cho việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch bằng các quỹ công mà họ cho rằng sẽ được chi tiêu tốt hơn cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch rẻ hơn.
Các đề xuất của Séc cũng bao gồm việc tạm thời hạn chế giao dịch mạnh trên các sàn giao dịch châu Âu đối với các giao dịch trong ngày.
Giá khí đốt cao khiến các ngành công nghiệp và hộ gia đình giảm tiêu thụ khí đốt, một động thái mà các chính phủ đang cố gắng khuyến khích để đảm bảo có đủ nhiên liệu vượt qua mùa đông.
Nhưng việc áp giá trần khí đốt sẽ khiến các ngành và hộ gia đình không còn động lực để tiết kiệm như hiện nay.
Các nhà phân tích cho rằng, biện pháp này thậm chí có thể khuyến khích sử dụng nhiều khí đốt hơn trong khi các chính phủ cần đưa ra các chính sách để giảm tiêu thụ.
Một số nhà phân tích cho rằng, hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá tăng cao là giải pháp tốt hơn là vội vàng đại tu thị trường.
Các câu hỏi khác là làm thế nào các chính phủ có thể áp trần giá điện sản xuất từ khí đốt mà không khuyến khích các nhà máy sản xuất ít điện trong khi các quốc gia đang cần.