"Ba bước này sẽ dẫn đến việc tiếp tục hành động quân sự (tại Ukraine)", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 13/12.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).
Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/12 đề xuất 3 bước nhằm đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình trong cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky đưa ra đề xuất trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7.
Theo đề xuất của Tổng thống Zelensky, Ukraine kêu gọi G7 tăng cường viện trợ nhiều vũ khí tiên tiến hơn như xe tăng và tên lửa tầm xa, cung cấp thêm 2 tỷ mét khối khí đốt để giúp Ukraine vượt qua mùa đông lạnh giá, đồng thời ủng hộ giải pháp ngoại giao nhằm giúp Kiev đạt được mục tiêu trong cuộc xung đột với Nga. Một trong những bước hướng tới hòa bình được Ukraine đề cập là Nga bắt đầu rút quân khỏi Ukraine từ Giáng sinh.
Tổng thống Zelensky cũng nêu "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà ông từng đề cập tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng trước ở Indonesia. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đề xuất một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, mà ông gọi là Hội nghị thượng đỉnh Công thức Hòa bình Toàn cầu, "để xác định cách thức và thời điểm chúng ta có thể thực hiện các điểm của công thức hòa bình Ukraine". Ông Zelensky tin rằng điều này sẽ đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ không rút quân khỏi Ukraine vào cuối năm 2022, đồng thời cho rằng Ukraine "cần tính đến thực tế mới xuất hiện trong thời gian qua".
"Thực tế này chỉ ra rằng, có những chủ thể mới xuất hiện tại Liên bang Nga. Đó là kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ", ông Peskov nói, đề cập tới 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine sáp nhập vào Nga.
"Nếu không tính đến những thực tế mới này, khó có thể đạt được tiến triển", ông Peskov nhấn mạnh.
Bốn tỉnh ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia tuyên bố sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9. Chính quyền Tổng thống Zelensky không công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời tuyên bố không đàm phán với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin còn tại nhiệm.
Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ".
Cuối tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định các cuộc thương lượng giữa Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu nếu Kiev thể hiện thiện chí chính trị để thảo luận về các yêu cầu của Moscow. Điện Kremlin nói rằng, việc Ukraine từ chối đàm phán buộc Nga phải thực hiện các cuộc tập kích diện rộng nhằm vào hạ tầng quan trọng của nước này.