Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 15/12, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với các đối tác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh để ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Moscow về kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi sẽ dỡ bỏ các hạn chế về hậu cần và tài chính. Bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt, các nước phương Tây đang cố gắng đẩy Nga ra ngoài lề sự phát triển của thế giới. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập. Ngược lại, chúng tôi đang mở rộng và sẽ mở rộng, hợp tác với tất cả những ai quan tâm", ông Putin nói.
Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến EU cắt giảm sự phụ thuộc vào Moscow, và các vụ nổ bí ẩn làm hư hại đường ống dẫn khí đốt của Nga dưới biển Baltic.
Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tăng cường xuất khẩu khí đốt cho "phía đông" và nhắc lại kế hoạch xây dựng một "trung tâm khí đốt" mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết Nga sẽ xác định giá bán khí đốt cho châu Âu bằng cách sử dụng một "nền tảng điện tử".
Nga bắt đầu bán khí đốt cho Trung Quốc vào cuối năm 2019 thông qua Đường ống Power of Siberia, cung cấp khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2021 và dự kiến đạt công suất tối đa 38 tỷ mét khối vào năm 2025. Nga cũng lên kế hoạch mở đường ống thứ hai qua Mông Cổ. Ông Putin cho biết các dự án này sẽ cho phép Nga tăng xuất khẩu khí đốt cho Trung Quốc lên 48 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2025 và 88 tỷ mét khối vào năm 2030.
Đầu tháng này, Liên minh châu Âu, G7, Australia nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng hay thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% đối với dầu mỏ nhập khẩu bằng đường biển từ Nga. Từ ngày 5/12, EU cấm các công ty vận chuyển và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các lô dầu Nga bán vượt giá trần. Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ không giao dịch với các quốc gia ủng hộ việc áp trần giá dầu.
Tổng thống Putin cáo buộc các nước phương Tây đã tấn công Nga "bằng một cuộc chiến kinh tế", đồng thời cho biết nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 2,5% vào năm 2022. Ông cũng thừa nhận một số "khó khăn" nhất định, nhưng nhắc lại rằng các nền kinh tế phương Tây cũng đang phải chịu hậu quả từ việc trừng phạt Nga, trong đó có lạm phát gia tăng.
"Bất chấp những khó khăn khách quan của năm nay, chúng ta sẽ đạt được những kết quả tích cực trong việc giảm nghèo và năm tới chúng ta cần củng cố động lực tích cực này", ông Putin nhấn mạnh.