RT ngày 30/12 đưa tin, trong bài trả lời phỏng vấn kênh Channel One, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc, Mỹ dường như đã triển khai hàng trăm quân nhân tới Ukraine. Ông Lavrov cũng cáo buộc các quân nhân, cố vấn quân sự và sĩ quan tình báo Mỹ "từ lâu đã trở thành những người chỉ đạo chính (cho Ukraine)" trong cuộc xung đột với Nga hơn 10 tháng qua.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Reuters).
"Hàng chục, có thể là hàng trăm quân nhân Mỹ đang ở Ukraine, họ đã ở đó trước cả khi cuộc đảo chính diễn ra", nhà ngoại giao Nga nói, ám chỉ vụ việc năm 2014 khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich bị lật đổ.
"Các quan chức CIA đã ngồi ở ít nhất một tầng trong văn phòng Cơ quan an ninh Ukraine", ông Lavrov cáo buộc.
Mỹ nhiều lần khẳng định họ chỉ hỗ trợ Ukraine tự vệ và không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Nga vì lo ngại xung đột có thể vượt tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, ông Lavrov cáo buộc tùy viên quân sự Mỹ tại Kiev đã đưa ra lời khuyên quan trọng cho chính quyền Ukraine, nói rằng: "Các chuyên gia quân sự rõ ràng không chỉ tham gia vào các chuyến thăm tới Bộ Quốc phòng Ukraine, mà họ còn tham vấn trực tiếp và thậm chí có thể hơn cả tham vấn".
Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng, Mỹ dường như đã lập ra một nhóm chuyên gia sau khi các nhà làm luật ở Washington yêu cầu một cơ chế mạnh mẽ hơn để theo dõi số vũ khí hàng tỷ USD mà phương Tây đã viện trợ cho Ukraine. Theo ông Lavrov, nhóm chuyên gia trên được giao công việc giám sát.
Mỹ chưa lên tiếng về những cáo buộc trên.
Ngoài ra, ông Lavrov tuyên bố, vì Ukraine đang nhận được thêm nhiều vũ khí phương Tây, Nga đang lập kế hoạch để làm đứt gẫy nguồn cung này. "Các tuyến đường sắt, cầu và đường hầm của Ukraine đang được coi là mục tiêu để khiến cho việc giao vũ khí trở nên khó khăn hơn hoặc lý tưởng nhất là ngăn chặn chúng hoàn toàn", nhà ngoại giao Nga cho biết.
Thêm vào đó, ông Lavrov cáo buộc phương Tây đã "tuyên chiến với Nga gần một thập kỷ trước", sau cuộc đảo chính năm 2014.
Ông nói: "Phương Tây, đứng đầu là cường quốc hạt nhân Mỹ đang trong cuộc chiến với chúng ta. Cuộc đối đầu này đã được tuyên chiến cách đây khá lâu, sau cuộc đảo chính ở Ukraine".
Hồi đầu tháng, ông Lavrov từng cảnh báo, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi nó bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện. Do đó, kịch bản này cần phải tránh bằng mọi giá.
Tuần trước, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng, tình trạng căng thẳng trên toàn cầu sẽ trở nên không có điểm dừng cho tới khi Nga nhận được đảm bảo an ninh.
"Nếu chúng tôi không có được đảm bảo an ninh phù hợp, căng thẳng sẽ kéo dài vô tận. Thế giới sẽ tiếp tục đứng trước bờ vực của Thế chiến III và một thảm họa hạt nhân. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn kịch bản trên xảy ra", ông nói.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi, kiến trúc an ninh tương lai cho châu Âu sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine khép lại, nên bao gồm cả đảm bảo an ninh cho Nga.