"Chúng tôi đảm bảo rằng ngư dân trong khu vực sẽ nhận thấy sự hiện diện của các tàu cảnh sát biển", Đô đốc Artemio Abu, tư lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG), cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm nay.
Đô đốc Artemio Abu, tư lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG), trả lời báo chí tại Manila ngày 6/2. Ảnh: Reuters.
Lực lượng Cảnh sát biển Philipines được biên chế 26.000 người với 25 tàu chính có thể được sử dụng để thực hiện các chuyến tuần tra.
"Chúng tôi đang tăng cường hiện diện. Khi ngư dân thông báo, tàu cảnh sát biển của chúng tôi sẽ có mặt, vì đó là mục tiêu hoạt động của lực lượng", ông Abu nói thêm.
Theo ông Abu, việc lực lượng cảnh sát biển được trang bị các tàu tiên tiến hơn, trong đó có tàu đa năng dài 97 mét hồi năm ngoái, cho phép họ tăng số lượng và thời gian các chuyến tuần tra ở Biển Đông.
"Chúng tôi có thể ở đó lâu hơn, xa hơn và giờ đây có thể bao phủ khu vực rộng lớn hơn", quan chức này nhấn mạnh.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc cho biết Philippines đã cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự mới ngoài 5 căn cứ hiện có. Các căn cứ mới này nhiều khả năng sẽ được đặt ở những khu vực chiến lược, trong đó có đảo Palawan án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.
Mỹ và Philippines cũng đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết những thách thức an ninh. Tuần duyên Mỹ cùng cảnh sát biển Philippines hoặc hải quân hai nước có thể tham gia hoạt động này.
Các thỏa thuận này được cho là sẽ tăng đáng kể sức ép với Trung Quốc, quốc gia đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn" để tuyên bố chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Theo Vnexpress.net