"Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả việc Nga vi phạm Hiệp ước START Mới bằng cách thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và có thể đảo ngược để khiến Nga quay trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của mình", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 28/3 cho biết.
Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước START Mới với Mỹ từ tháng 2 (Ảnh minh họa: EPA).
Ông Kirby giải thích thêm: "Điều đó có nghĩa là do Nga tuyên bố tạm ngừng tham gia START Mới là không hợp lệ, nên Mỹ được phép tạm ngừng chia sẻ dữ liệu".
"Nga đã không tuân thủ đầy đủ và từ chối chia sẻ dữ liệu 6 tháng một lần như đã đồng ý trong Hiệp ước START Mới. Vì họ từ chối tuân thủ nên chúng tôi cũng quyết định không chia sẻ dữ liệu đó", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngoại trừ những dữ liệu chia sẻ định kỳ trên, Mỹ vẫn cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết cho Nga theo hiệp ước.
Hồi tháng 2, Nga thông báo tạm ngừng tham gia Hiệp ước START Mới. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí còn hoạt động duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.
START Mới đặt giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân mỗi bên được triển khai, cũng như các phương tiện mang những khí tài này. Theo hiệp ước được ký năm 2010 và gia hạn đến năm 2026, Moscow và Washington cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Nó cũng quy định, mỗi bên không được vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân được triển khai. Tổng số phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược không được vượt quá 800.
Nga cáo buộc Mỹ đã phá hủy khuôn khổ pháp lý để kiểm soát vũ khí. Tháng 8 năm ngoái, Moscow đình chỉ hoạt động thanh sát theo hiệp ước, đổ lỗi cho các hạn chế đi lại do Washington và các đồng minh áp đặt lên Nga sau chiến sự.