Philippines muốn thăm dò giới hạn của Trung Quốc?
05 Tháng Bảy 2013 12:41 SA GMT+7
Việc hoàn tất danh sách 5 thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) cho thấy, cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc chuẩn bị bắt đầu xung quanh tranh chấp tại Biển Đông. Việc này diễn ra trùng với thời điểm Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập trên Biển Đông (từ 27/6 đến 2/7) càng khiến dư luận quan tâm. Bởi Washington sẽ khẳng định lại lập trường hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) tại cuộc họp an ninh khu vực ASEAN ở Brunei trong tuần này. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cân nhắc đi thăm một số thành viên ASEAN trong tháng 7 nhằm tăng cường quan hệ với các nước đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông. Những động thái kể trên khiến dư luận quan tâm hơn tới tình hình tại Biển Đông.

Tòa trọng tài Quốc tế về Luật Biển chuẩn bị khai đình

Ngày 25/6, tờ Philippines Daily Inquirer đưa tin, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Shunji Yanai đã chỉ định cựu thẩm phán người Ghana của ITLOS Thomas Mensah làm thành viên thứ 5 của tòa trọng tài nói trên để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Thomas Mensah được cử thay thế thẩm phán người Sri Lanka Chris Pinto, người rút lui hồi tháng 5 sau khi được chỉ định vì có vợ là người Philippines. Trước đó, Chánh án Shunji Yanai đã chỉ định 4 thẩm phán của ITLOS là Jean-Pierre Cot (Pháp), Alfred Soons (Hà Lan), Stanislaw Pawlak (Ba Lan) và Rudiger Wolfrum (Đức) tham gia xét xử vụ kiện sau khi Manila đệ đơn lên ITLOS hôm 22/1/2013. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và coi đây là “một hành động khiêu khích chính trị dưới sự ngụy trang của thủ tục pháp lý”.

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Locklear (phải) và Tổng tham mưu kiêm Trưởng không quân Ấn Độ

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu (26-6) đưa tin, thời gian gần đây Không quân Philippines tăng cường hoạt động tuần tra giám sát ở Biển Đông nhằm cảnh giác, ngăn ngừa quân đội Trung Quốc “có hành động” ở Biển Đông. Trước đó, trên Đài Truyền hình Thâm Quyến, Trung Quốc, Phó giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Ký Nam Trương Minh Lượng cho rằng, Philippines muốn thông qua cuộc diễn tập quân sự với Mỹ từ 27/6 đến 2/7 để thăm dò “giới hạn” của Trung Quốc. Theo tờ Nhân Dân nhật báo, từ 27/6 đến 2/7, Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập trên Biển Đông. Đại tá Đỗ Văn Long cho rằng, cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Philippines lần này có hai điểm đáng quan tâm: thứ nhất, Philippines dám điều lực lượng quân sự hướng tới bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham; thứ hai, Mỹ có thể cùng Philippines tiến vào vùng biển xung quanh và đây là mối đe dọa đối với Trung Quốc.

Cựu Đại sứ Philippines tại Hungary, Ba Lan, Bosnia Herzegovina, Serbia, ông Alejandro Del Rosario đánh giá cao nhận xét của nhà ngoại giao cấp cao Mỹ, ông Danny Russell - không thể chấp nhận việc Trung Quốc yêu cầu đàm phán song phương với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Bởi đây không những là sự gợi ý tinh tế, mà còn là tuyên bố quan trọng của Washington đối với Trung Quốc xung quanh chủ đề nhạy cảm này. Mỹ cũng đã thống nhất hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và Washington sẽ khẳng định lại lập trường này trong cuộc họp an ninh khu vực ASEAN tại Brunei trong tuần này. Trang mạng Nhật báo Phố Wall, Mỹ vừa có bài viết cho rằng, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhiều lần cam kết với các đồng minh châu Á rằng, sự cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo vệ của Mỹ tại khu vực này, nhưng điều này cũng không thể loại bỏ sự lo ngại của các nước đồng minh.

Nhật Bản quan ngại về mức tăng quân sự của Trung Quốc

Dư luận quan tâm tới cuốn Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2013 bởi Tokyo đang tỏ ra thận trọng trước hoạt động tăng cường quân sự của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, sự thiếu minh bạch trong các vấn đề quân sự và an ninh của Trung Quốc là “mối quan ngại” đối với cả khu vực lẫn cộng đồng quốc tế. Bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng gấp 4 lần ngân sách quốc phòng trong thập niên qua. Trước những động thái của Trung Quốc ngày 24/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã hội đàm với Tư lệnh Hải quân Philippines Jose Luis Alano đang viếng thăm Nhật Bản và 2 bên đều bày tỏ thái độ không hài lòng trước các hoạt động của Hải quân Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, đồng thời tuyên bố: Không cho phép bất cứ nước nào được đơn phương phá bỏ hiện trạng trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Itsunori Onodera và Tư lệnh Jose Luis Alano cũng cho rằng, Nhật Bản và Philippines đều là quốc đảo, tăng cường bảo vệ lãnh hải, hải đảo và bảo vệ quyền lợi hải dương là vấn đề quan trọng nhất trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là vấn đề chung mà 2 nước đang phải đối mặt. Trước đó, tờ tuần san Tin tức Quốc phòng, Mỹ cho biết, cựu quan chức cấp cao quân đội Mỹ, Chủ tịch Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, ông Wortzel đã trình bày về sự thăng trầm của quan hệ quân sự Mỹ - Trung, lịch sử hiện đại hóa của Quân đội Trung Quốc và sự thất vọng của ông đối với việc giới nghiên cứu Mỹ tiếp tục đánh giá thấp năng lực quân sự của Trung Quốc. Theo ông Wortzel, quân đội Trung Quốc đang chuyển đổi thành một quân đội hiện đại, có lý luận tác chiến độc đáo.

Ngày 26/6, tờ The New Indian Express đưa tin, do lo ngại về những hành xử ngày một hung hăng củaTrung Quốc ở Biển Đông, Mỹ và Ấn Độ đã thảo luận về an ninh khu vực và nguy cơ xung đột hàng hải ở Biển Đông.

Ngày 25/6, Đô đốc Samuel J Locklear, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đã trao đổi với Tổng tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ Marshal NAK Browne xung quanh vấn đề an ninh Biển Đông.

Trước đó, khi bị truy vấn liên tiếp về việc tại sao Trung Quốc luôn mập mờ về “đường lưỡi bò”, Giám đốc Học viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc đã nói rằng: “Nếu làm rõ ý nghĩa của việc này thì Trung Quốc sẽ phải lấy lại tất cả các đảo hiện đang do nước khác chiếm giữ bởi “đường lưỡi bò” là đường chủ quyền”. Phát ngôn của ông này đã gây phản ứng tức thì tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông do CSIS tổ chức tại Washington DC hồi đầu tháng 6.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cân nhắc việc đi thăm một số thành viên ASEAN trong tháng 7 (có thể diễn ra sau ngày 21/7, thời điểm bầu cử Thượng viện). Động thái trên của Thủ tướng Shinzo Abe được Hãng Kyodo coi là dấu hiệu rõ ràng nhằm tăng cường quan hệ với các nước đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 26/6, tờ Sankei đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang thảo luận khả năng phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Với tầm bắn 400-500km, tên lửa đạn đạo này sẽ được bố trí tại tỉnh Okinawa nhằm giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công, đổ bộ nhằm vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như các đảo nhỏ riêng biệt trên biển Hoa Đông. Nếu kế hoạch được thông qua và triển khai, đây là lần đầu tiên SDF, bao gồm Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Phòng vệ Trên không và Phòng vệ Biển, sẽ sở hữu tên lửa đạn đạo.

Japan News Network cho biết, Hội đồng thành phố Yonaguni, tỉnh Okinawa đã thông qua Nghị quyết cho phép Bộ Quốc phòng Nhật Bản xây dựng một căn cứ quân sự cho lực lượng tự vệ tại một khu vực có diện tích 210.000km2. Yonaguni là hòn đảo nằm ở cực Tây của Nhật Bản, có người ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhất - cách 150km. Điểm đáng lo ngại là khu vực biển phụ cận của nó chính là luồng đường chủ yếu của hải quân Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương. Việc Tokyo xây dựng căn cứ quân sự trên hòn đảo này có vai trò cực kỳ quan trọng - tăng cường mạnh khả năng phòng thủ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - từ đây bay đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ mất 6 phút.

Tạp chí Nghiên cứu quân sự của Nhật Bản số tháng 6 có bài viết “Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi phát triển tên lửa không đối hạm mới, uy chấn Trung - Nga”. Theo đó, Cục Nghiên cứu Công nghệ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi đã hợp tác phát triển loại tên lửa không đối hạm mới mang tên ASM-3. Có ASM-3 trong biên chế, lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản đã có một loại vũ khí trấn hải uy lực.

Giới truyền thông đưa tin, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cảm thấy điếng người khi nghe phát biểu của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama - thông cảm với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi nói với kênh truyền hình Phượng Hoàng ở Hongkong hôm 25/6, ông Yukio Hatoyama cho rằng, việc Trung Quốc có cảm giác Nhật Bản “đánh cắp” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là không thể tránh khỏi. Sau khi phát biểu gây ra làn sóng phẫn nộ, ông Yukio Hatoyama đã đính chính, nhưng Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga vẫn cho rằng, phát biểu của cựu Thủ tướng là “xúc phạm và không thể tha thứ” bởi gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Nhận định của giới chuyên môn

Ngày 25/6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án hành động của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, hối thúc Bắc Kinh kiềm chế, đồng thời kêu gọi các bên hữu quan đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp biển đảo. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Robert Menendez khuyến cáo, các vụ đối đầu với Trung Quốc đã lên mức nguy hiểm trong vài tháng qua và Washington không chấp nhận những nỗ lực sử dụng vũ lực để thay đổi tình hình.

Trước đó (24/6), mạng Quan hệ an ninh quốc tế (ISN) đưa tin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy Linda Jakobson, người từng có 20 năm sống và làm việc tại Trung Quốc và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách đối ngoại, an ninh Trung Quốc cho rằng, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan làm gia tăng khả năng xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc

Theo đó, nếu xảy ra sự cố trên biển hoặc trên không (với các bên tranh chấp), áp lực từ chủ nghĩa dân tộc bên trong Trung Quốc sẽ rất lớn và ổn định trong khu vực có thể đối mặt với nguy hiểm khi lãnh đạo mới của Trung Quốc chỉ phản ứng với các sự kiện diễn ra, một điều đã xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây. Các nước trong khu vực lo ngại Bắc Kinh đang sử dụng quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự để ép buộc Philippines và các nước hữu quan chấp nhận “chủ quyền” (phi lý và phi pháp) của Trung Quốc ở biển Đông.

Theo bà Linda Jakobson, cách giảm căng thẳng ở Biển Đông khả thi nhất là ông Tập Cận Bình nên chấp nhận cách tiếp cận đa phương để quản lý xung đột lợi ích bởi Trung Quốc đã bị mất uy tín chính trị khá nhiều ở Đông Nam Á vì tranh chấp biển Đông. Báo chí Nga cũng vừa có bài phân tích chiến lược “Trở lại châu Á” của Mỹ với trọng tâm là khu vực Đông Nam Á và những diễn tiến nóng ở khu vực Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách hất cẳng Mỹ một cách có hệ thống ra khỏi phần lớn các vùng biển ở châu Á. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày một cứng rắn và quyết liệt hơn trong việc yêu cầu tàu thuyền quân sự Mỹ không được đi lại trong khu vực phạm vi lãnh hải 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng yêu cầu Washington phải xin phép kể cả khi mới chỉ có ý định làm việc đó. Đòi hỏi trên của Trung Quốc chẳng khác nào việc Bắc Kinh đang viết lại luật quốc tế hiện hành, không đồng ý với quy định của UNCLOS. Có nhiều người nhấn mạnh, cho đến nay các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc sắp xếp lại trật tự luật pháp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho họ không vấp phải thách thức nghiêm trọng nào từ các nước láng giềng cũng như từ Mỹ.

Ngày 23/6, kênh CCTV-4 Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin về hoạt động huấn luyện của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Trung Quốc J-20. Với bán kính tác chiến khoảng 2.000km, một khi Biển Đông “hữu sự” có thể điều động J-20 cất cánh từ Tam Á - Hải Nam tham gia “hải chiến bãi Vạn An”. CCTV-4 cho rằng, một khi xảy ra tình huống xung đột ở Biển Đông, J-20 có thể chi viện hiệu quả cho hải quân và tham gia tác chiến chống tàu ngầm. Theo kết quả thăm dò công bố hôm 24/6 cho thấy, hơn 40% người Australia cho rằng, Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa quân sự đối với Australia trong những thập niên tới. Ngày 23/6, trang mạng Strategy Page, Mỹ đăng bài viết “Nga đẩy nhanh triển khai radar phòng thủ tên lửa”. Theo đó, việc Nga triển khai radar cảnh báo sớm giai đoạn đầu lớp Voronezh, một phần để đề phòng Trung Quốc.

Tờ Mainichi Shimbun, Nhật Bản đưa tin, báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (được Quốc hội Mỹ trao quyền thành lập) cho rằng, năm 2012, trong tình hình không thông báo trước, tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên hoạt động thu thập tin tức tình báo trên biển ở vùng đặc quyền kinh tế của các vùng lãnh thổ ở nước ngoài của Mỹ gồm Guam và Hawaii.

Báo cáo cho biết, Hải quân Trung Quốc đã mở rộng hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước, trong đó có Mỹ. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế "An ninh và hợp tác tại Châu Á - Thái Bình Dương" tại Bắc Kinh hôm 19/6, ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân độiTrung Quốc khẳng định, nếu có ai đó thách thức lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ kiên quyết đấu tranh và không nhường một bước. Ông Thích Kiến Quốc còn nhấn mạnh: Chủ trương hòa bình, nhưng không sợ chiến tranh, nếu có ai đó "cố ý khiêu khích" Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ "thản nhiên đối phó, đấu tranh tới cùng".

 

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.