Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng giữa Tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong trong một hội nghị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ở Trung Quốc hồi năm 2012 - Ảnh: Reuters
Mặc dù vẫn sẽ thảo luận về việc thiết lập COC trong hội nghị kéo dài 2 ngày tại Indonesia, Trung Quốc cũng sẽ cho ASEAN thấy rằng nước này sẽ không thay đổi các tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo.
Bắt đầu diễn ra từ hôm 24/06, hội nghị kỳ này là lần gặp gỡ lần thứ 11 để bàn về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa Trung Quốc và khối ASEAN.
“Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình và đây sẽ là ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình”, ông Trương Minh Lượng, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, nhận định.
Hội nghị tại Indonesia diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang ngang ngược dùng tàu chiến và tàu tuần duyên để bảo vệ cho hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou-981), được hạ đặt phi pháp trong vùng biển Việt Nam.
Bà Trương Khiết, chuyên gia an ninh khu vực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, thì lớn lối bình luận rằng: “Thông qua việc biểu dương sức mạnh. Trung Quốc muốn các nước có tranh chấp chủ quyền với mình tại biển Đông sẽ phải nghiêm túc chú ý đến vị thế của Trung Quốc”.
Trong khi đó, ông Oh Ei Sun, một nhà phân tích cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajartnam (Singapore), dự đoán rằng Việt Nam và Philippines có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên khác trong ASEAN nhằm cùng nhau tìm cách hạn chế tàu thuyền Trung Quốc di chuyển trong các vùng biển tranh chấp.
“Trung Quốc một mặt sẽ chủ động theo đuổi COC, nhưng mặt khác thì sẽ không thỏa hiệp. COC chỉ là một phần trong các vấn đề của Trung Quốc tại biển Đông”, chuyên gia này cảnh báo.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy sự hình thành của COC bởi Bắc Kinh luôn lợi dụng tính ít ràng buộc của Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) hiện tại để gia tăng các hành vi gây hấn.
Tiến sĩ Christopher Roberts (Đại học New South Wales, Úc) nói với Thanh Niên Online: “Vì muốn vô hiệu hóa tính ràng buộc của COC nên trước khi chấp thuận cho ra đời bộ quy tắc ứng xử này, Trung Quốc sẽ gia tăng hiện diện và kiểm soát trên phần lớn biển Đông nhằm tạo ra nhiều “sự đã rồi” càng nhiều càng tốt. Đáng quan ngại hơn, tôi biết Bắc Kinh cũng chẳng giấu giếm gì về ý định này".
Hoàng Uy
Theo TNO