|
The economist |
Bởi đáng tiếc là vẫn có một số học giả ủng hộ Trung Quốc, thậm chí còn có người chạy tội cho yêu sách đường lưỡi bò vô lý của nước này, dùng ngụy biện và những thủ đoạn khác để đánh lừa dư luận quốc tế.
TTCT giới thiệu một bài báo phản biện của hai nhà nghiên cứu Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn đối với Sam Bateman - nghiên cứu viên cấp cao của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) (*) - để độc giả có thêm thông tin về những hoạt động rất cần thiết và quan trọng này.
Việc thổi phồng các tranh chấp biển ở biển Đông ra ngoài những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có thể được áp dụng cho các đảo nhỏ là một hành động gây hại đến an ninh và hợp tác trong khu vực. Hầu hết căng thẳng trong vùng này có thể được giải quyết bằng cách áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) liên quan đến việc phân định ranh giới biển và hợp tác trong vùng tranh chấp.
Sam Bateman và lý lẽ chụp mũ
Trong bài phản hồi lại phê bình của chúng tôi, TS Sam Bateman viết: “Những lời khăng khăng khẳng định chủ quyền - mà ngay cả bài phản biện của hai tác giả này cũng thể hiện rõ - đang càng ngày càng trở nên phản tác dụng và chẳng đi đến đâu”. Trong những thảo luận học thuật không nên dùng những lời lẽ chụp mũ vội vã như thế. Điều cần thiết để đi tới giải pháp hòa bình là thông tin và số liệu chính xác.
Trong bài phản biện trước của chúng tôi, không có chỗ nào có thể bị cho là khăng khăng khẳng định chủ quyền. Trái lại, chính Bateman mới là người khẳng định đầu tiên ý “vấn đề ai có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là cốt lõi trong tình hình hiện nay”. Ông ta đã ngả theo quan điểm về chủ quyền của Trung Quốc dựa trên những bằng chứng và luận điểm đáng ngờ, và đã đề nghị Việt Nam “đồng ý rằng Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa”.
Gốc rễ của vấn đề
Bài phản biện trước đây của chúng tôi đưa ra những thông tin, số liệu, án lệ của Tòa án công lý quốc tế và Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để chứng minh rằng vùng đặc quyền kinh tế áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp không vươn ra tới vị trí của giàn khoan Hải Dương 981.
Những thông tin và số liệu này do vậy đã bác bỏ quan điểm của Bateman rằng các tuyên bố chủ quyền đối kháng trên quần đảo Hoàng Sa là vấn đề cốt lõi của tình hình hiện nay, hay “một ranh giới biển thỏa thuận trong khu vực này rất có thể đưa đến kết quả là giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc”. Thực chất, chúng tôi đã đặt tình hình hiện nay vào đúng chỗ, tách nó ra khỏi vấn đề tranh giành chủ quyền quần đảo này.
Tất nhiên chúng tôi không hề phủ nhận những tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên, các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, bãi, hay đá nhỏ không nhất thiết phải gây ra những căng thẳng nghiêm trọng như chúng ta đang chứng kiến ở biển Đông. Không hề có sự căng thẳng nghiêm trọng nào giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, dù những nước đó có tranh chấp chủ quyền.
Vấn đề ở biển Đông, cũng là nguồn gốc của những căng thẳng chúng ta đang chứng kiến, là một nước duy nhất luôn khăng khăng khẳng định chủ quyền tới mức từ chối thừa nhận rằng có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa; nước này đòi hầu hết biển Đông bất chấp UNCLOS, tập quán quốc tế và án lệ về phân định ranh giới biển; nước này không ngần ngại đơn phương theo đuổi yêu sách của họ; nước này cũng tuyên bố không chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số loại tranh chấp, quan trọng nhất ở đây là những tranh chấp liên quan tới cách diễn giải và áp dụng các điều khoản của UNCLOS về phân định ranh giới biển.
Nước đó chính là Trung Quốc.
Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ ước muốn của ông Bateman rằng biển Đông sẽ có thêm nhiều hợp tác hơn. Nhưng khi cố tình bào chữa cho hành động đơn phương triển khai giàn khoan nước sâu khổng lồ tới một khu vực có yêu sách đặc quyền kinh tế chồng lấn, Bateman đã hoàn toàn phớt lờ điều 74 của UNCLOS, hoàn toàn đi ngược lại ước muốn đó. Hơn nữa, chúng tôi cũng không chấp nhận rằng “Các quốc gia láng giềng tránh hợp tác vì sợ rằng làm thế sẽ phần nào gây hại đến các tuyên bố chủ quyền” như Bateman viết.
Theo chúng tôi, trở ngại lớn nhất đối với những hợp tác đó là vì Trung Quốc từ chối thừa nhận có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và đưa ra yêu sách mập mờ về biển và thềm lục địa bên trong đường chữ U. Yêu sách đường chữ U này dựa một phần vào việc đòi vùng đặc quyền kinh tế quá lớn cho các đảo nhỏ đang tranh chấp, một phần vào việc lạm dụng khái niệm quyền lịch sử.
Cần phải nhấn mạnh rằng Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia đều đang thi hành những phương án khai thác chung trong những vùng có yêu sách chồng lấn giữa các nước này. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng sở dĩ phương án hợp tác giữa bốn nước Đông Nam Á này khả thi là vì không nước nào đòi hỏi chủ quyền thái quá như Trung Quốc.
Con đường tiến tới
Các tranh chấp biển ở biển Đông rất phức tạp, nhưng vẫn có thể được giải quyết thông qua tòa án quốc tế hoặc đàm phán thiện chí. Tòa án và các nhà đàm phán có thể dựa theo rất nhiều án lệ và kết quả đàm phán phân định ranh giới biển trên thế giới trước đây.
Giá như Trung Quốc đừng tuyên bố bác bỏ thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS thì các tòa án quốc tế đã có thể tách rời hầu hết tranh chấp biển ở biển Đông ra khỏi các tranh chấp chủ quyền đảo, xử lý các tranh chấp về biển, và cuối cùng sẽ chỉ còn đọng lại một số ít khu vực tranh chấp nhỏ. Đó sẽ là điểm khởi đầu tốt cho quá trình hợp tác ở mọi khu vực dù có tranh chấp hay không.
Một hậu quả nguy hại khác của việc Trung Quốc bác bỏ thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS là tòa án không còn thẩm quyền áp dụng điều 74 của UNCLOS quy định về thiện chí và hợp tác trong những vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, vốn là điều mà chúng ta đang rất cần phải có ở biển Đông.
Bateman viết: “Các tác giả kết luận trong bài phê bình của họ rằng tôi có thể đóng góp cho hòa bình và hợp tác tốt hơn nếu tôi khuyến khích Trung Quốc chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Tôi cũng xin đề nghị điều tương tự cho Việt Nam”. Chắc ông ta sẽ ngạc nhiên lắm nếu biết rằng trên thực tế, Việt Nam đã chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS khi phê chuẩn UNCLOS vào năm 1994 mà không bảo lưu điều nào, chứ không phải như Trung Quốc vốn đã bác bỏ đến mức tối đa thủ tục này vào năm 2006.
UNCLOS là nền tảng cho sự hợp tác và trật tự trên biển và đại dương toàn cầu, nhưng nó cũng có những khía cạnh cần được làm rõ thêm. Thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS là cách bảo đảm tính khách quan và sự công bằng trong việc diễn giải và áp dụng Công ước, do đó nó có vai trò tối quan trọng trong việc áp dụng UNCLOS trên thực tế. Nếu không có thủ tục này thì quốc gia thành viên nào cũng có thể biến UNCLOS thành trò hề.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị TS Bateman cùng các học giả quốc tế nào quan tâm đến sự công bằng, sự hợp tác và trật tự trên biển khắp thế giới hãy cùng với chúng tôi khuyến khích Trung Quốc giảm bớt yêu sách biển của họ cho phù hợp với án lệ của các tòa án quốc tế cũng như với tập quán quốc tế (đề nghị này không nhất thiết có nghĩa phải phân định ranh giới), và chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho biển Đông.
DƯƠNG DANH HUY - PHẠM QUANG TUẤN
Trong một bài phân tích trên Eurasia Review ngày 15/05/2014 nhan đề “Căng thẳng mới ở biển Đông: Nước nào có chủ quyền với biển Đông”, lập luận của Sam Bateman là: Do Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc và từ đó đến năm 1975, Việt Nam cũng không phản đối gì, Mỹ cũng đã từng công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, nên nếu bây giờ Việt Nam đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa thì sẽ yếu thế.
Do quần đảo Hoàng Sa không phải của Việt Nam, cho nên giàn khoan Hải Dương 981 đặt gần đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa không vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Sam Bateman đề nghị Việt Nam nên công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc để được Trung Quốc cho khai thác chung vùng biển giữa quần đảo này và bờ biển đất liền, thay vì “đánh bạc” và sẽ chẳng được gì cả.
Ngày 26/05, hai nhà nghiên cứu Việt Nam là TS Dương Danh Huy và TS Phạm Quang Tuấn đã có bài viết phản bác Sam Bateman, chỉ rõ thái độ thiên vị Trung Quốc của ông này.
Các tác giả đã nêu rõ ba điều: Sự mạo nhận của Sam Bateman về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa; theo luật quốc tế thì giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (tính từ bờ biển đất liền Việt Nam), chứ không phải của Hoàng Sa; Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi đơn phương triển khai giàn khoan trong vùng có yêu sách chồng lấn.
Trong phản biện cùng ngày, Sam Bateman cáo buộc Việt Nam là nước nặng tội “sa sả đòi chủ quyền” nhất, và cáo buộc cả các tác giả Việt Nam tội này, trong khi ca ngợi Trung Quốc đề nghị mở một quỹ cho việc hợp tác ở biển Đông.
|
(*): Tiến sĩ Dương Danh Huy là chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin ở Anh; tiến sĩ Phạm Quang Tuấn là phó giáo sư Đại học New South Wales (Úc).
Theo TTO