Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin AP (Mỹ) về việc khởi kiện Trung Quốc ra quốc tế, ông Lê Hải Bình tái khẳng định Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của mình.
“Biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh và Việt Nam đang cân nhắc thời điểm thực hiện biện pháp này”, ông Lê Hải Bình cho biết.
Phóng viên tham dự họp báo - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tại họp báo, ông Lê Hải Bình, đã thông báo một số thông tin cập nhật về tình hình biển Đông thời gian qua.
Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng
Ông Lê Hải Bình cho biết trong những ngày qua quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì lực lượng lớn tàu hộ tống cùng lực lượng máy bay hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Ngày 18/06, Cục hải sự Trung Quốc ra thông báo hàng hải số 14047 cho biết giàn khoan Nam Hải 09 - sẽ di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc - 110 độ 12,3 phút kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 phút vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trong thời gian từ ngày 18 - 20/06.
Vào 13 giờ ngày 21/06, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện giàn khoan Nam Hải 09 được di chuyển đến vị trí như phía Trung Quốc nêu ra trong thông báo.
Tiếp đó vào ngày 24/06, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục đăng thông báo hàng hải số 14050, thông báo tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu Hai Yang Shi You 719 sẽ hoạt động tại biển Đông từ 23/06 - 20/08/2014.
Theo ông Lê Hải Bình, khu vực mà giàn khoan Nam hải 09 và tàu thăm dò 719 của Trung Quốc hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định.
Đáng chú ý là hành động này xảy ra ngay sau khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam, khiến dư luận quốc tế hết sức lo ngại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình - Ảnh: Ngọc Thắng
|
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, tạo không khí thuận lợi cho tiến trình đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ giữa hai nước”, ông Lê Hải Bình bày tỏ.
Bên cạnh đó, thời gian qua Trung Quốc còn tiến hành một loạt các hoạt động như phát hành “Bản đồ địa hình Trung Quốc” và “Bản đồ nước CHND Trung Hoa” khổ dọc thể hiện “đường lưỡi bò” bao trùm toàn bộ biển Đông; đưa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc; khởi công dự án Trường học ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tiếp tục xây dựng và thay đổi nguyên trạng trái phép tại một số điểm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái pháp luật vào tháng 03/1988.
Ông Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên, tôn trọng luật pháp quốc tế, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và không có những hành động tương tự trong thời gian tới.
Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng
Theo ông Lê Hải Bình, đặc biệt nghiêm trọng là vào 9 giờ 20 ngày 23/06, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tại vị trí có tọa độ 15 độ 29 phút 30 giây vĩ Bắc – 111 độ 23 phút 32 giây kinh Đông trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam đã bị một số tàu Trung Quốc vây ép, đâm húc gây thiệt hại nặng. Đáng chú ý vị trí này cách giàn khoan Hải Dương 981 tới 11,5 hải lý.
Đây là hành động hết sức nghiêm trọng, xâm phạm sâu vào vùng biển Việt Nam, đe dọa tính mạng người dân và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang hoạt động bình thường trong vùng biển Việt Nam. Càng nguy hiểm hơn, hoạt động này đã gây cản trở cho tự do, an ninh và an toàn hàng hải, vi phạm công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại tinh thần DOC.
Việt Nam mạnh mẽ lên án hoạt động nguy hiểm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động cản trở tàu công vụ của Việt Nam, bồi thường thiệt hại cho tàu kiểm ngư 951 và các tàu khác của Việt Nam bị Trung Quốc gây thiệt hại thời gian qua.
Tại họp báo, đại diện Cục Kiểm ngư đã phản đối và bác bỏ các thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra hôm 24/06 cho rằng tàu Việt Nam tiến vào khu vực tác nghiệp và đâm va các tàu Trung Quốc là hoàn toàn xuyên tạc. Ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư khẳng định các tàu cá, tầu chấp pháp Việt Nam hoạt động trên vùng viển Hoàng Sa hoàn toàn phù hợp pháp luật Việt Nam, luật quốc tế.
Ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Từ khu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, các tàu thực thi pháp luật Việt Nam thường xuyên bị các tàu Trung Quốc đâm va. Các hành động của Trung Quốc là chủ động có tính toán trước nhằm gây thiêt hại cho Việt Nam. Đại diện của Cục Kiểm ngư cũng cho biết đến nay đã có 27 tàu kiểm ngư bị tàu Trung Quốc chủ động đâm va gây thiệt hại nặng, 15 kiểm ngư viên bị thương.
Đại diện Cục Kiểm ngư cung cấp hình ảnh vụ việc ngày 23/06 tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam khi đang thực thi nhiệm vụ đã bị tàu kéo 284 và tàu Hải tuần 11 vây ép, phun vòi rồng, sau đó tàu kéo Hữu Liên 09 của Trung Quốc dùng tốc độ cao đâm vào mạn phải và tì, ép tàu kiểm ngư 951 với mục đích không cho tàu 951 vòng tránh. Sau đó tàu kéo Tân Hải 285 của Trung Quốc đâm trực diện vào mạn trái tàu 951, phá hỏng toàn lan can, be mạn trái lún sâu một mét, boong trái rách dài 2m, rộng 30cm; làm hư hỏng phòng y tế, một số phòng sinh hoạt, làm rơi phao bè tự thổi và một số thiết bị khác.
Thủ đoạn mới của tàu Trung Quốc
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng cho biết, từ 16 - 25/06, Trung Quốc thường xuyên sử dụng 109 - 125 tàu thuyền các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép. Trong số này có 4 - 6 tàu chiến. Trung Quốc đã huy động 33 - 43 lần chiếc hải giám, hải tuần, hải cảnh và tàu kéo ngăn chặn bảo vệ giàn khoan, 30 - 40 tàu cá hoạt động cách giàn khoan 35 - 40 hải lý để bảo vệ giàn khoan từ xa.
Ông Ngô Ngọc Thu cũng cho biết, đáng chú ý gần đây Trung Quốc đã tăng cường sử dụng thủ đoạn dùng các tàu kéo có công suất lớn kèm chặt các tàu Việt Nam để các tàu kéo khác đâm tàu Việt Nam. Trước đây Trung Quốc thường sử dụng các tàu hải cảnh tốc độ cao đâm tàu Việt Nam nhưng sau khi đâm các tàu hải cảnh cũng bị hư hỏng phần mũi. Nay họ sử dụng các tàu kéo công suất lớn, có hệ thống bảo vệ tốt nên khi đâm không gây thiệt hại cho tàu Trung Quốc.
Ngoài ra Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng hơn 40 tàu cá vỏ sắt với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh thường xuyên cản trở, uy hiếp, chủ động đâm va, đẩy ủi các tàu cá Việt Nam tại khu vực cách giàn khoan 40 - 45 hải lý nhằm buộc ngư dân Việt Nam rời ngư trường truyền thống của mình.
Ông Ngô Ngọc Thu cũng bác bỏ những những luận điệu dối trá của Trung Quốc nói rằng không đưa tàu quân sự ra khu vực giàn khoan. Theo đại diện Cảnh sát biển Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì 4 - 6 tàu chiến quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981, gồm tàu hộ vệ tên lửa (số hiệu 534 và 572), tàu quét mìn (số hiệu 840, 843, 839), tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh (751, 756, 753 và một tàu không rõ số hiệu). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sử dụng nhiều lượt máy bay tuần thám, trinh sát, trực thăng bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao 300-1500m.
“Tất cả các hoạt động của tàu quân sự của Trung Quốc đã được cơ quan chức năng Việt Nam ghi lại hình ảnh, xác định tọa độ. Các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam và quốc tế có mặt tại thực địa chứng kiến và có những hình ảnh, video clip cho thấy tuyên bố của Trung Quốc về việc không dùng tàu quân sự là hoàn toàn sai sự thật”, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định.
Trường Sơn
Theo TNO