|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại Hội nghị APEC ngày 09/11 ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, hôm qua đại diện thương mại Mỹ Michael Froman tuyên bố Washington quyết theo đuổi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bất chấp việc Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
“TPP là yếu tố chủ chốt trong lĩnh vực kinh tế của chiến lược tái cân bằng - ông Froman nhấn mạnh - Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là TPP”.
Ông Froman cho rằng TPP sẽ giúp mở rộng thương mại và hội nhập trong khu vực. Trước đó, một số nhà phân tích Trung Quốc mô tả TPP là chiến thuật của Mỹ để hạn chế tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc do không bao gồm nước chủ nhà Hội nghị APEC.
Trước thềm APEC, truyền thông Trung Quốc mô tả FTAAP “là giải pháp thay thế cho món lẩu thập cẩm các đề xuất tự do thương mại”, một cú thọc rõ rệt nhắm vào TPP.
Bắc Kinh vận động hành lang cho FTAAP
Ông Froman khẳng định đàm phán TPP “đang tiến triển đáng kể”. Tuy nhiên các nguồn tin từ Mỹ cho biết đàm phán TPP đang gặp nhiều khó khăn do một số nước thành viên, đặc biệt là Nhật, không muốn mở cửa thị trường nội địa quá rộng.
Mỹ đề nghị Nhật hạ các rào cản đối với hàng nông sản nhập khẩu, nhưng Tokyo muốn bảo vệ các sản phẩm nội địa nhạy cảm như thịt heo, thịt bò, các sản phẩm từ sữa và đường…
Các đối tác TPP trông đợi một thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật sẽ tạo ra bước đột phá cho các cuộc đàm phán song phương khác giữa các nước thành viên.
Dù vậy, ông Froman xác nhận Washington sẽ không đưa ra tuyên bố lớn nào về TPP tại APEC Bắc Kinh.
Nhưng điều đó không có nghĩa là FTAAP chiếm được ưu thế. Dự thảo tuyên bố chung của APEC kêu gọi thực hiện “các bước nhằm đưa FTAAP từ viễn cảnh thành hiện thực” và đồng ý tổ chức “nghiên cứu chiến lược” để thực hiện mục tiêu này.
Nhưng dự thảo không hề đề cập việc Trung Quốc kêu gọi thực hiện “nghiên cứu khả thi” FTAAP, một bước đệm tới việc chính thức đàm phán thực hiện sáng kiến này.
Dự thảo cũng không đề ra thời gian cụ thể để thực hiện sáng kiến FTAAP dù trước đó Bắc Kinh đặt mục tiêu là năm 2025.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời một số quan chức Trung Quốc và Mỹ tiết lộ Bắc Kinh đã buộc phải nhượng bộ về ngôn từ của dự thảo tuyên bố chung liên quan đến FTAAP do bị Washington phản đối quá quyết liệt.
Dù vậy, trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đánh giá Bắc Kinh vẫn sẽ tận dụng APEC để vận động hành lang cho FTAAP.
Ông Obama “thẳng thắn”
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề APEC.
“Chúng tôi sẽ nói một cách trực tiếp và thẳng thắn về các mối lo ngại và các lĩnh vực bất đồng” - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Giáo sư Thayer dự báo biển Đông sẽ không phải là vấn đề trọng tâm tại APEC mà sẽ chỉ nóng lên ở Hội nghị ASEAN tại Myanmar vào ngày 12 và 13/11.
Tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN đã bị rò rỉ ra báo chí. Trong đó, ASEAN bày tỏ quan ngại về các diễn biến trên biển Đông và kêu gọi các nước khu vực nhanh chóng thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Một sự kiện nổi bật khác tại APEC là khả năng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể họp thượng đỉnh lần đầu tiên bên lề APEC.
Theo Kyodo News, trước khi lên máy bay tới Bắc Kinh, ông Abe tuyên bố muốn cải thiện quan hệ Nhật - Trung.
“Nếu gặp ông Tập, tôi sẽ gửi thông điệp rằng Nhật và Trung Quốc phải có trách nhiệm với hòa bình, ổn định khu vực và cần lập cơ chế liên lạc hàng hải để tránh nguy cơ đụng độ” - ông Abe cho biết.