Bất chấp những khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đem lại sau việc Nga sát nhập bán đảo Crưm, uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn vươn cao hơn bao giờ hết trên làn sóng ái quốc. Mức ủng hộ ông Tổng thống Putin hiện lên đến trên 80%.
Theo những người ủng hộ Tổng thống Putin thì qua việc đứng lên phản kháng phương Tây, ông chủ Điện Kremlin đã khôi phục vị thế của Nga trên trường quốc tế. Phát biểu tại hội nghị của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai được tổ chức tại Sochi cuối tháng 10, ông Putin cho hay “những người được gọi là chiến thắng” cuộc Chiến tranh lạnh đã lật ngược “trật tự giám sát và cân bằng của thế giới” tồn tại bấy lâu nay. Rằng Washington đang cố gắng chỉ đạo thế giới bằng “sắc lệnh đơn phương”.
Tổng thống Nga nói: “Tất nhiên các biện pháp trừng phạt là một trở ngại. Họ đang tìm cách gây thiệt hại cho chúng ta qua các biện pháp trừng phạt này, ngăn chặn sự phát triển và đẩy chúng ta vào thế cô lập văn hóa, kinh tế, chính trị, nói một cách khác, thúc ép chúng ta vào tình trạng chậm tiến”. Ông Putin khẳng định tham vọng chính trị của phương Tây đang được thể hiện qua cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tổng thống Putin tố cáo Mỹ và các nước đối tác chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính ở Ukraine lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, từ đó đẩy Ukraine vào cảnh hỗn loạn, nội chiến với thương vong to lớn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ các khách mời tại lễ tưởng niệm Ngày hội thống nhất dân tộc của Nga được tổ chức tại Điện Kremlin
Nhà lãnh đạo nước Nga cho rằng, ông không thấy chính phủ hiện thời của Ukraine có bất kỳ mong muốn nào giải quyết cuộc xung đột với phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine thông qua đối thoại. Tổng thống Nga cũng khẳng định, các lệnh trừng phạt đơn phương và áp đặt lên các nước khác của Mỹ thực ra là đang gây ra tác động ngược lại. Ông Putin tuyên bố rằng, những biện pháp trừng phạt đang phá hoại các quy tắc thương mại quốc tế, nhưng Nga là một quốc gia mạnh mẽ, sẽ chịu đựng được những biện pháp này và sẽ không “cầu xin” dỡ bỏ chúng.
Trong bối cảnh đó, trong Ngày hội thống nhất dân tộc của Nga năm nay (ngày 04/11), tại trung tâm Moskva, việc hơn 70.000 người đã diễu hành và tham gia vào các buổi hòa nhạc đã thể hiện tinh thần đoàn kết vốn có của người dân Nga trước các thời khắc khó khăn của lịch sử. Minh chứng cho điều này là lần đầu tiên trong những năm gần đây, tất cả các chính đảng (gồm cả các đảng đối lập) tại Nga đều đồng ý với chính sách đối ngoại hiện nay của Tổng thống Putin.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm được tổ chức ở Điện Kremlin, Tổng thống Putin khẳng định Nga đủ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia và không một mối đe dọa nào có thể buộc người Nga từ bỏ những giá trị và lý tưởng của mình. Tổng thống Putin nhấn mạnh, vai trò của sự đoàn kết đã giúp nước Nga chống chịu và vượt qua những sức ép từ những sự kiện xảy ra gần đây. Trước khách mời là đại diện của các dân tộc, tôn giáo đến từ khắp nước Nga, Tổng thống Putin khẳng định: “Năm nay chúng ta buộc phải đối mặt với những thách thức khó khăn và nước Nga đã chứng minh rằng mình có thể bảo vệ lợi ích quốc gia và không chỉ một lần, dân tộc chúng ta đã trả lời những thử thách của lịch sử bằng sự đoàn kết, bằng sự vươn lên của những tư tưởng đạo đức và tinh thần. Mong muốn hướng về công lý, về sự thật luôn là điều Nga trân trọng và không có bất cứ mối đe dọa nào có thể buộc chúng ta từ bỏ những giá trị và lý tưởng của mình”.
Ngày hội thống nhất dân tộc được nước Nga tổ chức vào ngày 04/11 hằng năm để kỷ niệm sự kiện nước này đứng dậy đấu tranh chống ách xâm lược của Ba Lan năm 1612. Sau một thời gian dài bị gián đoạn, vào năm 2005, Tổng thống Putin đã quyết định kỷ niệm lại ngày này. Trong buổi lễ kỷ niệm năm nay, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng Ngày thống nhất dân tộc “đánh dấu sự trung thành của nhân dân đối với đất nước mình, với mảnh đất quê hương mình”, rằng mối liên lạc không thể nào chia cắt được, trách nhiệm trước “Tổ Quốc luôn luôn là nền tảng cho nền độc lập và chủ quyền của Nga, còn chủ nghĩa ái quốc và tình yêu quê hương đất nước đã gắn chặt quốc gia đa dân tộc của chúng ta qua bao thế kỷ”.
Tổng thống Nga lưu ý rằng trong gần 20 năm trở lại đây, Mỹ đã tiến hành chiến tranh hoặc can thiệp gián tiếp để lật đổ chính thể nhiều quốc gia trên thế giới dưới chiêu bài dân chủ hoặc chống khủng bố. Năm 2001, Mỹ bắt đầu Chiến dịch Tự do Bền vững tại Aghanistan nhằm bắt Osama bin Laden, tiêu diệt Al-Qaeda và loại bỏ các thành phần Taliban đã cung cấp hỗ trợ cho Al-Qaeda. Năm 2003, Mỹ xâm lược Iraq dưới tên gọi “cao cả” là Chiến dịch Giải phóng Iraq và lật đổ chính quyền Saddam Hussein.
Tuy nhiên, tại các quốc gia này, chiến tranh xâm lược của Mỹ kết thúc bằng một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt từ đó đến nay. Và tại các quốc gia này, người dân chưa bao giờ được hưởng một ngày tự do hạnh phúc từ ngày Mỹ đem tự do dân chủ đến cho họ. Thứ duy nhất Mỹ để lại tại các quốc gia này là sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo và chính trị, từ đó thổi bùng lên những cuộc chém giết tranh giành giữa những người dân bản địa với nhau.
Tại Valdai hồi cuối tháng 10, Tổng thống Putin cảnh báo, thế giới sẽ đối mặt với các cuộc chiến tranh mới, nếu Mỹ không tôn trọng lợi ích của các nước khác. Tổng thống Putin gợi ý rằng, Mỹ và Nga cần vạch đường kẻ ngang dưới những sự kiện xảy ra gần đây và cùng với những cường quốc kinh tế thế giới khác ngồi vào bàn đàm phán để thiết kế lại hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở của nguyên tắc “đa cực”.
Tổng thống Nga lưu ý rằng, đây có thể là một quá trình lâu dài và mệt mỏi, nhưng thay vào đó sẽ là nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột nghiêm trọng với sự tham gia của các cường quốc thế giới.
S.Phương (tổng hợp)
Theo Petrotimes