Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị APEC ngày 09/11
Tại Hội nghị APEC đang diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Nga vừa ký kết một Hiệp định khung, theo đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sẽ mua 10% cổ phần của Vankorneft - một công ty con của hãng sản xuất dầu lớn nhất của Nga Rosneft. Trong khi đó, Nga sẽ bán thêm 30 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm tới thông qua đường ống dẫn khí Altay.
Trước đó, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy hình thành một khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) nhằm tạo thế đối trọng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ “chủ xị”, trong đó không có Trung Quốc và Nga.
Trên đây chỉ là những biểu hiện mới nhất trong quan hệ Nga-Trung nhằm phá thế độc tôn của Mỹ trên thế giới. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt và cô lập của phương Tây đối với Nga, quan hệ Moskva-Bắc Kinh đã tăng tốc một cách khác thường.
Sự sưởi ấm quan hệ giữa đôi bên được thể hiện rõ nét nhất tại Blagovechtchensk và Hắc Hà, hai thành phố biên giới Nga-Trung. Chính tại nơi đây, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết xây dựng một đường ống cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung, trị giá 300 tỷ euro hồi tháng 10/2014.
Bên cạnh khí đốt, nhiều thỏa thuận quan trọng khác cũng đã được ký kết: Nga sẽ mở nhiều khu khai thác nguyên vật liệu tại vùng phía đông này chứ không còn ở Tây Siberia như lúc trước. Điều này cũng nằm trong quyền lợi của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn tìm cách đa dạng các nguồn năng lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu cơn khát năng lượng ngày càng tăng của người dân và ngành công nghiệp.
Nhưng thỏa thuận đó cũng phù hợp với quyền lợi của Nga. Vào lúc mà quan hệ với châu Âu ngày càng băng giá do cuộc khủng hoảng tại Ukraina, Trung Quốc lúc này lại là khách hàng chính của Moskva.
Tại thành phố biên giới Blagovechtchensk của Nga, các trường chuyên dạy về tiếng Hoa nở rộ. “Ngày càng có nhiều giới trẻ bắt đầu học tiếng Hoa để được đi đó đây. Nhiều người trong số họ mơ ước kiếm việc làm tại Hồng Kông, Thượng Hải hay Bắc Kinh”, theo lời thuật của một nhân chứng người Hoa tại đây.
Sự hiện diện của người Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế của Nga ngày một rõ nét, đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực đá quý, bất động sản và buôn bán. Đàn ông Trung Quốc đến tìm vợ người Nga ngày cũng nhiều hơn. Du lịch đôi bên cũng gia tăng nhờ vào chính sách miễn thị thực nhập cảnh.
Cả hai thành phố biên giới liên tiếp đưa ra những chiến thuật để gây ấn tượng lẫn nhau. Kết quả là nhà cửa tại thành phố biên giới của Nga mọc lên như nấm, nhiều công trình cơ sở được đầu tư mới như khu giải trí, nhà thờ Cơ đốc giáo hay bể bơi…
Phát biểu trong cuộc gặp hôm qua với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga Putin nói: "Cho dù bất cứ điều gì thay đổi có thể xảy ra trong tình hình quốc tế, chúng ta phải mở rộng và làm sâu sắc toàn diện hợp tác cùng có lợi".
Ông Putin nhấn mạnh rằng sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc sẽ giúp gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, làm cho thế giới ổn định hơn.
Học giả Vitaly Kozyrev, giáo viên tại Trung tâm Davis chuyên nghiên cứu các vấn đề về Nga và Á-Âu, Đại học Havard (Mỹ), nói: “Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường trong những năm tới như 2 cường quốc Âu-Á”. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga ngày càng leo thang khiến nước này bị cô lập trong khu vực. Học giả Kozyev cho rằng: "Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc”.
Theo cách nhìn của chính quyền Mỹ, những nỗ lực của ông Putin trong hợp tác với Bắc Kinh giống như là “một cú đấm” nhằm vào Washington, nhưng một số chuyên gia cho rằng, với một lịch sử phức tạp, thiếu tin tưởng lẫn nhau và sự chênh lệch về kinh tế cuối cùng sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không bền vững. Tuy nhiên, những người khác lại cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp tiềm năng hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes