Cách nay 10 năm, chính Petro Porochenko đã từng khẳng định tiến trình Ukraine gia nhập NATO giống như ánh sáng cuối đường hầm. Ngày 24/11 vừa qua, trên cương vị Tổng thống, ông cam kết cho tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này, một khi đã hội tụ đủ các điều kiện, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Các chuyên gia cho rằng tuyên bố trên của ông Poroshenko chỉ mang tính chính trị nhiều hơn ý nghĩa thực tiễn. Ông Porochenko không gợi ý việc gia nhập NATO ngay trong thời gian tới. Ông nói đến trưng cầu dân ý vào khoảng năm 2020. Nhưng từ nay đến đó, rất nhiều việc có thể thay đổi, không có gì bảo đảm là ông sẽ vẫn tại chức và đó là một cách trì hoãn vấn đề, xem xét sau, đồng thời vẫn thừa nhận tầm quan trọng của việc gia nhập NATO trong công luận.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, trong bối cảnh xảy ra cuộc xung đột quân sự ở miền đông, tỷ lệ người dân ủng hộ Ukraine vào NATO đã tăng vọt, lên tới 51%, trong tháng 11/2014, thay vì chỉ có 20% trong tháng 10/2013.
Sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 10/2014, liên minh thân phương Tây cầm quyền tại Kiev đã coi việc gia nhập NATO như là một ưu tiên mới. Công việc đầu tiên phải làm, từ nay đến cuối năm, là sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ quy chế không liên kết của Ukraine và tái thúc đẩy chính sách để gia nhập NATO.
Nhưng nếu chỉ có quyết tâm thì chưa đủ, để có thể thực hiện nhiều cải cách sâu rộng, nếu như một ngày nào đó Ukraine muốn đáp ứng tất cả các điều kiện rất chặt chẽ của NATO.
Chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật, Ukraine phải có một quân đội hiện đại và hoàn toàn tương tác với quân đội của các thành viên khác trong NATO, trong lúc quân đội Ukraine hiện nay quá yếu kém, trang bị tồi tàn và tham nhũng đầy rẫy.
Ngoài những khó khăn này, Ukraine còn phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của Nga. Trong những ngày qua, Moskva đã công khai nhắc nhở Kiev nên đứng ngoài mọi khối và vạch ra lằn ranh đỏ đối với phương Tây, khi đòi phải có bảo đảm chắc chắn là Ukraina không gia nhập NATO.
Từ lâu, Moskva coi việc Ukraina vào NATO là một sự phản bội của phương Tây vì trước đây khối quân sự này từng hứa không đón tiếp thêm các thành viên là láng giềng của Nga.
Ngay từ năm 1994, Ukraine đã liên kết với NATO trong khuôn khổ quan hệ đối tác hòa bình, sau đó gia tăng trao đổi và đối thoại với khối này, nhưng đến tháng 06/2010, thì từ bỏ hẳn dự án gia nhập NATO và khẳng định quy chế không liên kết.
“Không nghi ngờ gì quy chế không liên kết (của Ukraine) rất quan trọng không chỉ đối với việc đảm bảo sự ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương mà còn đối với những lợi ích quốc gia cơ bản của người dân Ukraine"- Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói báo giới ngày 19/11.
Ngoài cản trở của Nga, việc Ukraine gia nhập NATO cũng gây chia rẽ trong nội bộ khối này, giữa một bên là các nước thành viên lâu đời, như Pháp, Đức, lưỡng lự trong việc tiếp nhận Kiev, và bên kia là các thành viên mới, như Ba Lan, Litva thì ủng hộ mạnh mẽ.
Ngày 23/11, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố ủng hộ Ukraine có quan hệ đối tác với NATO, chứ không phải là thành viên. Ông Steinmeier khẳng định: "Trong vấn đề liên minh, như đã nói trước đây nhiều tháng, tôi ủng hộ mối quan hệ đối tác của Ukraine với NATO chứ không phải quy chế thành viên". Trong khi đó, Mỹ và các đời Tổng thư ký NATO gần đây thì cho rằng Ukraine có thể gia nhập khối này, nếu muốn.
Giới quan sát cho rằng, về mặt chiến lược, NATO không mặn mà với ý tưởng kết nạp các nước có giáp biên giới lãnh thổ với Nga. NATO đã từ bỏ các cuộc đàm phán về việc gia nhập của Gruzia, sau khi xảy ra một cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và nước này, năm 2008.
Chuyên gia Vassyl Filiptchouk, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế Kiev, nhấn mạnh rằng ngay cả liên quan đến việc trừng phạt Nga, các thành viên NATO đã không đạt được đồng thuận thì chuyện chấp nhận một nước đang có xung đột vũ trang với Nga vào hàng ngũ liên minh là điều hoang tưởng.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes