Niềm tự hào của giới đồng tính
Lúc Osius mới bước chân vào ngành ngọai giao, chủ trương của ngành về lý lịch an ninh thanh lọc đã ban hành luật đuổi nhân viên đồng tính. Vì lý do ấy, Osius phải giấu giới tính thật cho đến năm 1996 khi Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Warren Christopher phế bỏ chính sách thanh lọc. Và Osius đã trở thành người đồng tính công khai thứ 7 mà Tổng thống Obama đã bổ nhiệm giữ chức vụ Đại sứ của Mỹ.
“Bạn đời” của ông Osius là Clayton Bond - cũng một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ đã tổ chức kết hôn tại Vancouver (Canada) vào năm 2006. Hiện tổ ấm của “đôi uyên ương” đã có thêm một bé trai, được họ nhận nuôi và đặt tên là Theodore Alan Bond-Osius.
Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (phải) cùng gia đình
Tờ Washington Blade dẫn lời Selim Ariturk - Chủ tịch nhóm nhân viên đồng tính, song tính và chuyển giới của Bộ Ngoại giao Mỹ (GLIFAA) nói rằng, việc phê chuẩn ông Osius là niềm tự hào cho toàn thể cộng đồng đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT). “Xét về những hiểu biết sâu sắc của ông ở Việt Nam và những kỹ năng ngoại giao xuất sắc của ông, ông sẽ là một đại sứ mà tất cả người Mỹ phải tự hào”, ông Arituk nói.
Ngoài những kinh nghiệm về ngoại giao, điều đầu tiên - rất dễ gây ấn tượng ở ông Osius là vốn ngoại ngữ đáng nể. Ngoài tiếng Anh, ông Osius còn thành thạo tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Ý. Ông cũng nói được chút ít tiếng Arập, Hindu, Thái, Nhật và Indonesia.
Về học vấn, ông đã tốt nghiệp Đại học Harvard - trường đại học hàng đầu thế giới với tấm bằng cử nhân xã hội học vào 1984. Mặc dù rất yêu thích ngành ngoại giao nhưng Osius đã từng bị rớt trong một kỳ thi tuyển của Bộ Ngoại giao Mỹ. Không từ bỏ ước mơ, ông tiếp tục sự nghiệp học hành ở Trường cao học về Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins. Nhận thêm tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành kinh tế quốc tế và chính sách đối ngoại trong tay, Osius thi lại vào Bộ Ngoại giao Mỹ và trúng tuyển cùng năm 1989.
Không chỉ làm công tác chuyên môn, nhà ngoại giao kỳ cựu này còn là một thành viên cao cấp, chuyên gia cố vấn chính sách đối ngoại tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) và từng là một giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ. Osius cũng là tác giả của một số sách và tài liệu có giá trị về các quốc gia mà ông từng phục vụ và đại diện cho nước Mỹ.
Mối “duyên” với Việt Nam
Cái duyên của Osius với Việt Nam bắt đầu từ năm 1996, tức một năm sau ngày Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Ông là một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên làm việc tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, giúp đỡ Đại sứ đầu tiên Pete Peterson, thiết lập mối quan hệ mới dựa trên tinh thần hợp tác thiện chí Mỹ - Việt.
Nói về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ khi đó, Osius nói: “Đó từng là một mối quan hệ rất khó khăn... Nhưng chúng tôi đã đặt nền móng cho một mối quan hệ tích cực hơn ở phía trước... Tôi tận dụng cơ hội để kết bạn cho nước Mỹ tại một đất nước từng chỉ khiến người Mỹ nhớ tới xung đột”.
Sau khi hoàn tất việc ở Hà Nội, đến năm 1997, Osius được cử tới TP Hồ Chí Minh để đặt cơ sở thiết lập lãnh sự quán Mỹ tại đó. “Đó là một trong những công việc thú vị nhất mà tôi từng làm” - Osius nhớ lại quãng thời gian công tác tại TP Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, Osius đã thực hiện một kỳ tích - đó là du lịch xuyên Việt bằng xe đạp trên quãng đường dài gần 2.000km.
Có lẽ những năm tháng sống ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cùng hành trình từ Bắc vào Nam gần 20 năm trước đã cho Osius những trải nghiệm, ký ức tuyệt vời đến nỗi ông không giấu được sự hân hoan khi kể về những địa danh mà ông đã từng đặt chân đến và rất ấn tượng như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang.
“Tại một vùng từng là khu vực phi quân sự, tôi đứng trên một cây cầu, nhìn xuống những ao nhỏ nằm rải rác phía xa. Một phụ nữ Việt Nam có tuổi chỉ cho tôi đó không phải là ao, mà là nơi từng bị ném bom, trong đó có ngôi làng của bà. Khi tôi nói tôi đại diện cho chính phủ và nhân dân Mỹ, bà ấy đã đáp lại bằng những lời lẽ rất thân thiện: Hôm nay chúng ta là anh chị em”, Osius nhớ lại chuyến đạp xe xuyên Việt năm 1997.
Sau này, dù được điều động tham gia các công tác ngoại giao khác nhau ở Thái Lan, Indonesia... ông vẫn có dịp thể hiện những hiểu biết, kinh nghiệm và sự quan tâm tới Việt Nam trong nhiều nhiệm vụ. Osius từng hỗ trợ Phó tổng thống Al-Gore trong khuôn khổ một nhóm chuẩn bị một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam và ông cũng từng tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam vào năm 2000.
Bản thân ông Osius từng chia sẻ trên tờ Washington Blade rằng: “Trở thành Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - với tôi, đó là một giấc mơ trở thành hiện thực. Tôi cảm thấy như tôi đã chuẩn bị cho công việc này trong suốt 25 năm qua”. Và việc một ứng viên thay thế Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear (người được điều động giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương) đứng trước Thượng viện hồi tháng 05/2014 lên tiếng kêu gọi bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam rất gây ấn tượng và được giới chuyên gia đánh giá là một dấu hiệu tích cực của những biến chuyển mới nhất, những chuyển động mới nhất trong quan hệ Mỹ - Việt.
Linh Phương (tổng hợp)
Theo Petrotimes