Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại New Delhi ngày 11/12.
Trước những lời cảnh báo của Mỹ vào hôm 06/12 rằng Ấn Độ không được “làm ăn” với Nga, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này đã có câu trả lời đầy thách thức khi vừa ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng với Moscow.
Trước hết, về lĩnh vực năng lượng, hai bên sẽ hợp tác xây dựng ít nhất 10 nhà máy điện hạt nhân trong vòng 20 năm và tiếp tục với các dự án thủy điện tại châu Á. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft (Nga) đã ký thỏa thuận hỗ trợ 10 triệu tấn dầu cho Ấn Độ trong vòng 10 năm.
Dự án nổi bật và quan trọng nhất trong lần bắt tay này là việc Nga mời Ấn Độ cùng hợp tác khai thác dầu khí tại Bắc Cực.
“Rosneft và Gazprom, 2 tập đoàn lớn nhất của chúng tôi, cùng với các đồng nghiệp Ấn Độ, đang chuẩn bị cho nhiều dự án đẩy mạnh hoạt động của Nga tại thềm lục địa Bắc Cực và mở rộng các dự án khí hóa lỏng”, ông Putin cho biết.
Vào tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Rosneft cùng ExxonMobil (Mỹ) đã thăm dò được một giếng dầu tại Bắc Cực của Nga với khối lượng tài nguyên có thể so sánh với lượng dầu dự trữ của Arap Saudi. Nhưng đó cũng lại là vấn đề “nghiêm trọng” khi Nga không đủ khả năng để khoan dầu ngoài khơi lạnh như vậy mà cần đến chuyên gia của ExxonMobil. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của Mỹ nên Exxon không thể tham gia dự án này. Trong khi giếng dầu tại Siberia đang cạn dần, việc đẩy mạnh khai thác tại mỏ mới này có thể nói là việc làm càng sớm càng tốt đối với Nga trong cuộc đua trở thành cường quốc năng lượng số 1 thế giới.
Vùng bên trong đường màu đỏ là vùng có dầu mà Rosneft thăm dò được.
Về quân sự, thỏa thuận mới được ký kết cho phép quân đội Ấn Độ được đến huấn luyện tại trại quân đội của Nga, và Thủ tướng Modi nói rằng Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ.
Trong khi phương Tây vẫn không ngừng tăng cường các đòn trừng phạt Nga, Ấn Độ vừa đồng ý tăng gấp đôi lượng trao đổi thương mại với Nga lên 20 tỷ USD trong năm 2015.
Tất cả những thỏa thuận trên nằm trong chiến lược lớn của Tổng thống Putin mà có thể gọi đó là “Chiến lược hướng Đông”.
Chỉ trong vài tháng, Nga đã thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận khí đốt khổng lồ trong vòng 30 năm bắt đầu từ tháng 05/2015. Bên cạnh đó, Nga - Trung cũng đang chuẩn bị xây dựng liên minh quân sự hùng mạnh. Và nếu điều đó vẫn chưa đủ, ông chủ điện Kremlin đã thông báo sẽ tính đến việc thắt chặt hơn quan hệ với Triều Tiên.
Hà My (tổng hợp)
Theo Petrotimes