Bà Yingluck Shinawatra khi còn đương chức - Ảnh: Reuters
Phiên điều trần diễn ra hôm nay 09/01 là một phần tiến trình luận tội kéo dài khoảng 30 ngày liên quan đến chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck Shinawatra khi còn đương chức. Nếu bị buộc tội, bà Yingluck sẽ bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm. "Đấy chỉ là cái cớ để cấm bà Yingluck hoạt động chính trị", Sirote Klampaiboon, nhà khoa học chính trị thuộc phe “áo đỏ” nói.
Người phát ngôn của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) Akanat Promphan khẳng định những cáo buộc nhằm vào bà Yingluck hoàn toàn không vì mục đích chính trị. Ông chỉ ra rằng bất cứ hành động nào không dựa trên luật pháp sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp, như cuộc biểu tình tháng 5 năm ngoái với 22 người thiệt mạng.
Ông Cherdchai Tantisirin, cựu nghị sĩ đảng Pheu Thái, cảnh báo phán quyết không công bằng của Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA) có thể là ngòi nổ cho những đợt biểu tình mới. “Đây không phải là lời đe dọa, nhưng chúng ta không nên coi thường người dân. Quân đội phải tôn trọng cam kết của họ rằng công lý phải được bảo đảm. Không có công lý, đất nước sẽ lâm nguy”, ông nói.
Nếu bà Yingluck chứng minh được mình vô tội, phe chống Thaksin và PDRC sẽ vô vọng sau các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng trời. Dù luật sư của bà Yingluck cho rằng phiên tòa luận tội nên có sự tham gia của công chúng nhưng chính quyền Thái Lan hiện kêu gọi những người ủng hộ bà Yingluck không nên tràn vào Bangkok khi cơ quan lập pháp tiến hành phiên điều trần vào ngày 09/01. Chính quyền quân đội Thái Lan cảnh báo thiết quân luật vẫn còn hiệu lực, vì thế quân đội sẽ hành động nếu biểu tình xảy ra sau kết quả cáo buộc bà Yingluck.
Chương trình gây tranh cãi
Vụ buộc tội bà Yingluck đã bắt đầu từ trước khi quân đội lên nắm chính quyền vào tháng 05/2014. Theo đó, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cáo buộc bà Yingluck thiếu trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo, khiến xảy ra tình trạng tham nhũng. Bên cạnh đó, quyết định thu mua gạo của người dân cao hơn giá thị trường 50% đã dẫn đến 19,2 triệu tấn gạo bị tồn kho, thua lỗ khoảng 15,7 tỉ USD.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra - Ảnh: Reuters
|
Qua thăm dò bỏ túi của Thanh Niên, không chỉ giới chính trị mà người dân cũng quan tâm đến việc này và chia làm hai phe tranh cãi quyết liệt. Ông Sukpadit, tài xế taxi, bày tỏ với Thanh Niên: “Tôi không thuộc phe “áo đỏ”, “áo vàng” nào cả nhưng theo tôi chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck đã thật sự giúp đỡ nông dân nghèo rất nhiều. Thất thoát, tham nhũng là do cấp dưới, bà Yingluck chỉ là người đề ra đường lối, đâu có ba đầu sáu tay để có thể quản lý được đến từng người”.
Ngược với ý kiến trên, bà Piyakul Suwansumrit, Phó chủ tịch Hội Văn hóa Thái - Việt, nói: “Theo tôi, chương trình trợ giá gạo thời bà Yingluck đã “phá giá”, làm thị trường rối loạn. Nông dân không quan tâm đến chất lượng lúa làm ra, mà chỉ cần số lượng. Chưa kể, khi chương trình thu mua lúa gạo diễn ra, đương nhiên phải cần kho chứa, mà chị gái bà Yingluck lại sở hữu rất nhiều kho lúa nên đã trục lợi trong vụ này. Hơn ai hết, là người đứng đầu lúc bấy giờ, bà Yingluck phải chịu trách nhiệm về những thất thoát, tham nhũng đã xảy ra”.
Theo tờ Bangkok Post, cựu Phó thủ tướng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho rằng việc NACC buộc tội bà Yingluck cùng cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom Wairatpanich và cựu Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranon là bất hợp pháp, những người bỏ phiếu tán thành việc này sẽ phải bị đưa ra tòa về tội lạm quyền.
Về “số phận” bà Yingluck cùng hai cựu chủ tịch Thượng viện, Hạ viện, Đô đốc Sitthawat Wongsuwan, thành viên NLA, cho rằng “sẽ không sao” vì nhiều cáo buộc đã không còn giá trị nữa. Chưa kể, để tội danh được thành lập, phải cần đến 3/5 số phiếu của 132 thành viên. Điều này rất khó.
Thủy Tiên
(Văn phòng Bangkok)
Theo TNO