|
Dương Danh Huy, Trưởng nhóm nghiên cứu của Quỹ nghiên cứu biển Đông |
Bài viết của Dương Danh Huy, chủ đề “South China Sea Disputes: Facts or Fiction?” (Cuộc tranh luận về biển Nam Trung Hoa: Sự thật hay bịa đặt) được đăng trên www.eurasiareview.com. Nội dung có một số điểm đáng chú ý sau:
(1) Về chiến lược xoay trục của Mỹ: Valencia ngụy biện cho rằng việc bất ổn ở khu vực biển Đông và Hoa Đông không phải là lỗi của TQ, mà là do Mỹ xoay trục ở khu vực châu Á. TQ tin rằng Mỹ đang cố gắng lôi kéo ASEAN hoặc một số thành viên của ASEAN cùng với Úc, Nhật, Hàn Quốc vào “liên minh mềm” (soft alliance) để kiềm chế, bao vây TQ; TQ cho rằng chính sự ủng hộ ngầm của Mỹ đã khuyến khích Philippines và Việt Nam thách thức các yêu sách và hành động của TQ.
Dương Danh Huy phản biện: an ninh và ổn định khu vực đã bắt đầu suy giảm vào năm 2007 khi TQ gây áp lực với công ty dầu khí của Anh (Bristish Petroleum), buộc công ty này phải dừng hợp tác với Việt Nam về dự án dầu khí ở khu vực bể Nam Côn Sơn; TQ thành lập thành phố Tam Sa (gồm 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Năm 2008, TQ gây áp lực với công ty dầu khí của Mỹ (Exxon Mobile) rút khỏi các dự án dầu khí ở Việt Nam. Năm 2009, TQ bắt đầu đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông; đệ trình lên Uỷ ban ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc bản đồ và những yêu sách chủ quyền trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Sau đó, từ năm 2011 đã phát sinh hàng loạt vụ va chạm do sự hung hăng của phía TQ như: TQ sử dụng vũ lực bắt và xua đuổi ngư dân Việt Nam; đe dọa đâm thủng tàu khảo sát địa chấn của Philippines; ngăn cản, cắt cáp tàu Bình Minh 02, Virking 2 đang tiến hành hoạt động thăm dò địa chất trong vùng biển Việt Nam… Tình hình căng thẳng và bất ổn ở biển Đông đã tồn tại trước khi Mỹ tuyên bố xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tháng 10/2011). Do đó, quan điểm của Mark Valencia cho rằng sự “cứng rắn” của TQ là một phản ứng trước việc Mỹ xoay trục là không chính đáng, không phù hợp với tình hình thực tế ở biển Đông.
(2) Về sự quyết đoán của TQ: Mark Valencia đánh giá: Không phải sự cứng rắn của TQ trong các yêu sách biển đã gây ra bất ổn, mà tất cả các bên yêu sách đều góp phần tạo ra bất ổn. Đã có các án lệ từ Tòa công lý quốc tế không khuyến khích việc các bên tranh chấp thực hiện các hành vi đơn phương làm thay đổi bản chất của khu vực tranh chấp. Một điều khoản khác của DOC yêu cầu các bên giải quyết bất đồng của họ thông qua “tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia chủ quyền có liên quan trực tiếp”. TQ thực sự trở lên ngày càng hung hăng trong việc thực hiện các yêu sách của mình, tuy nhiên các bên yêu sách khác cũng thực hiện các hành vi đơn phương trên thực thể và trong các vùng biển TQ yêu sách. TQ cho rằng Philippines đã vi phạm 02 điều khoản của UNCLOS 1982 (điều 74 và 83) và Việt Nam cũng sắp sửa vi phạm các điều khoản này.
Dương Danh Huy phân tích, TQ đang đưa ra những yêu sách tùy ý và quá mức, đồng thời phủ nhận vai trò của Tòa án quốc tế và Tòa trọng tài (các cơ chế cần thiết để quyết định xem khu vực nào là khu vực tranh chấp). Bằng cách này, TQ cố gắng cáo buộc các quốc gia khác thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí đơn phương tại “các khu vực tranh chấp” và tạo cớ để TQ biện minh cho các hành vi chống lại các bên yêu sách khác. Mặt khác, TQ sử dụng chính các quy định của điều 74 và 83 của UNCLOS 1982 để thực hiện chiến lược của mình. Nhưng cũng chính TQ là bên có yêu sách duy nhất phủ nhận thẩm quyền của trọng tài theo UNCLOS trong phần diễn giải và áp dụng các điều khoản trên có liên quan tới việc phân định ranh giới biển. Nếu TQ tuân thủ các quy ddingj của UNCLOS 1982, Tòa trọng tài có thể phán quyết rằng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các quốc gia hoàn toàn không nằm trong khu vực biển có tranh chấp pháp lý (thì khẳng định của Valencia cho rằng “tất cả các bên yêu sách đã góp phần làm gia tăng bất ổn” sẽ bị chứng minh là sai).
(3) Về các yêu sách của TQ: Valencia khẳng định, không thể nói “các yêu sách của TQ trên biển Đông là bất hợp pháp và thậm chí là vô lý”. Các yêu sách chủ quyền của TQ có thể có hiệu lực hoặc không có hiệu lực cũng giống như các bên yêu sách khác, hơn nữa TQ chưa bao giờ chỉ rõ TQ yêu sách điều gì hay làm rõ yêu sách của mình trong cái gọi là “đường chín đoạn”, nên không thể nói rằng các yêu sách của TQ là bất hợp pháp hay vô lý.
Dương Danh Huy phản biện: Lập luận của Valencia không phản ánh toàn bộ vấn đề, trong khi TQ đang duy trì sự mơ hồ chiến lược đới với yêu sách đường chín đoạn, nước này cũng đã thực hiện những hành động chống lại các bên yêu sách khác ở nhiều địa điểm bên trong đường chín đoạn (bắt và ngăn cản hoạt động của ngư dân Việt Nam và áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá phần lớn diện tích ở biển Đông; gây áp lực để các công ty dầu khí của Anh, Mỹ… dừng hợp tác với Việt Nam trong thăm dò, khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính, Bể Nam Côn Sơn, lô 127 và 128… và làm gián đoạn hoạt động dầu khí của Việt Nam; yêu sách với bãi ngầm Jame, Scabrough…), điều đó chứng tỏ TQ yêu sách đối với tài nguyên sinh vật và khoáng sản tại các khu vực rộng lớn trong đường chín đoạn.
(4) Về đoàn kết của ASEAN: Valencia nhận định, các bên yêu sách trong ASEAN như Malaysia, Philippines và Việt Nam đã không thể dàn xếp các tranh chấp của họ với nhau, một số các tranh chấp này có liên quan tới cả các tranh chấp về yêu sách chủ quyền và quyền tài phán trên biển, như giữa Malaysia và Philippines đối với đảo Sabah và các yêu sách biển xuất phát từ đảo này. Các vấn đề an ninh trên cũng nghiêm trọng như tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán giữa Việt Nam và TQ tại quần đảo Hoàng Sa.
Dương Danh Huy phản biện, Valencia đang cố tạo ra nhầm lẫn giữa vấn đề tranh chấp và vấn đề an ninh. Tranh chấp là một thực tế, quan trọng là việc tiếp cận thực tế này ra sao; có thể hành xử theo cách tạo ra hoặc không tạo ra căng thẳng và các vấn đề an ninh. Đây chính là điểm khác biệt giữa tranh chấp của các nước ASEAN với nhau và giữa các nước ASEAN với TQ. Cụ thể, Việt Nam, Philippines và Malaysia có các tranh chấp với nhau nhưng không giải quyết vấn đề theo cách tạo ra căng thẳng và các vấn đề an ninh (chấp nhận thủ tục giải quyết theo UNCLOS 1982.) Điều này khác với TQ, TQ không chấp nhận giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982 ở mức độ tối đa có thể.