|
Tiến sĩ Subhash Kapila |
Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược củng cố khẳng định đơn phương (vô lý và phi pháp) rằng họ có cái gọi là chủ quyền trên Biển Đông và Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Nam Hải. Lãnh đạo Trung Quốc thách thức, họ sẽ bảo vệ cái gọi là toàn vẹn lãnh thổ nếu bị "đe dọa".
Một năm phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, hành động khiêu khích quân sự lớn nhất lại nhắm vào Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời một hành động đáng báo động khác là Trung Quốc đã tiến hành cải tạo bất hợp pháp, xây dựng một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Vụ giàn khoan 981 theo Tiến sĩ Subhash Kapila là một hành vi khiêu khích quân sự chưa từng có của Trung Nam Hải dẫn đến cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm và các hoạt động va chạm của tàu tuần tra, tàu cá 2 nước trên thực địa (thực tế là chỉ có tàu Trung Quốc hung hăng phụt vòi rồng và đâm va trực tiếp vào tàu Việt Nam - PV).
Dưới áp lực quốc tế và phản đối kịch liệt của ASEAN (đặc biệt là Việt Nam), Trung Quốc cuối cùng đã rút giàn khoan 981. Tuy nhiên, dù rút giàn khoan nhưng có thể Trung Quốc đã thử nghiệm một mô hình mới có khả năng tiếp tục triển khai để củng bố tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ ở BIển Đông.
Việc tạo ra một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng cần phải được xem xét trong bối cảnh đó và mục tiêu của Trung Quốc là độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Do đó các đảo nhân tạo này sẽ được phát triển thành căn cứ hải quân, không quân để tạo điều kiện cho lực lượng quân sự Trung Quốc kiểm soát (bất hợp pháp) hiệu quả hơn ở Biển Đông.
Bên cạnh 2 hành vi khiêu khích quân sự lớn của Trung Quốc, các hoạt động tăng cường tuần tra, tập trận của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã diễn ra toàn thời gian với tần suất khá cao.
Liên quan đến sự gia tăng hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc gây ra sự leo thang xung đột ở Biển Đông là sự khẳng định của Hoa Kỳ trong năm 2014. Lần đầu tiên Washington đã công khai tuyên bố bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông. Hoa Kỳ không hài lòng và lo ngại về các hoạt động khiêu khích cao độ và so găng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều này thể hiện rõ nhất kể từ tuyên bố rõ ràng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đối thoại An ninh Shangri-la giữa năm 2014. Đáng chú ý, lần đầu tiên ASEAN đã ra tuyên bố về các mối quan ngại của họ đối với vấn đề Biển Đông trong một hội nghị thượng đỉnh năm 2014, trong khi đó Bắc Kinh vẫn khăng khăng tìm mọi cách ngăn cản tiến trình COC và đòi đàm phán song phương.
Sự hung hăng, cứng nhắc của Trung Quốc trong năm 2014 cho thấy Bắc Kinh sẽ không mở ra cánh cửa nào, không có bất cứ xu hướng nào để giải quyết mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông. Vì vậy trong năm 2015 không có dấu hiệu nào lạc quan cho thấy xung đột ở Biển Đông được giải quyết.
Với quan điểm không khoan nhượng từ phía Trung Quốc, Biển Đông năm nay có thể sẽ chứng kiến căng thẳng quân sự tiếp tục gia tăng trong tương lai ngắn hạn. Việt Nam và Philippines đang cải thiện khả năng phòng thủ, năng lực tác chiến của hải quân. Các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản có lợi ích đáng kể trong việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực cũng đang tham gia hỗ trợ Việt Nam và Philippines chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo Tiến sĩ Subhash Kapila, Washington cần phải quyết đoán hơn, cần phải có những quan điểm có tính răn đe đối với Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của họ ở Biển Đông, bởi đằng sau Biển Đông là thách thức của Trung Quốc đối với địa vị của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyên gia Campuchia: Biển Đông chỉ có ra Tòa án Quốc tế mới giải quyết nổi
Đài VOA Khemer ngày 07/01 dẫn lời Tiến sĩ Chheang Vannarith, giảng viên và chuyên gia nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc đại học Leeds tại Anh bình luận, ASEAN luôn luôn thay đổi tạo ra những thách thức và cơ hội mới.
Thách thức lớn nhất theo ông là tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc (nhảy vào tranh chấp) với các nước láng giềng Đông Nam Á, sau đó là vấn đề dân chủ ở Thái Lan, những thay đổi tích cực bao gồm tiến bộ ở Myanmar và Indonesia.
Malaysia, một quốc gia có yêu sách một phần ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, nhưng theo Chheang Vannarith cho biết ông không mong đợi có nhiều sự tiến bộ trong vấn đề Biển Đông.
Kuala Lumpur rất thích quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong khi Campuchia thì vẫn tìm cách làm cho các cuộc đàm phán về Biển Đông "trở nên khó khăn", còn Việt Nam và Philippines lên tiếng nhiều hơn về yêu sách của mình, học giả Campuchia lưu ý.
Tranh chấp Biển Đông đã trở nên nan giải cho các giải pháp song phương, thậm chí là đa phương. Vần đề có thể chỉ được giải quyết bằng cách đưa ra Tòa án Quốc tế, Tiến sĩ Chheang Vannarith bình luận.
Một ASEAN tích hợp vẫn có vai trò địa chính trị để tranh giành, bao gồm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và những mối quan tâm mới từ Hoa Kỳ.
"Vai trò của Mỹ vẫn tồn tại để duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng những gì đang diễn ra trong nền chính trị Mỹ, đảng Cộng hòa đã đánh bại đảng Dân chủ, do đó Tổng thống Obama sẽ không thực hiện được chính sách đối ngoại của mình một cách hiệu quả như trước đây.
T.S.