Tổng thống Mỹ Barack Obama
Trong khi chiến sự ở miền đông Ukraine gia tăng cường độ, Mỹ đang cân nhắc có nên cung cấp vũ khí phòng vệ sát thương cho Kiev hay không. Cho đến nay, Liên minh châu Âu và Washington đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phi sát thương như kính nhìn ban đêm, áo chống đạn và vật phẩm y tế. Washington và các nước EU nói rằng Nga đã cung cấp thiết bị quân sự và binh sĩ cho lực lượng ly khai - một cáo buộc mà Moskva bác bỏ.
Trong phiên điều trần ở Thượng viện để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter cho hay ông sẽ "nghiêng nhiều" về phía cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Nhưng Matthew Rojansky, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Wilson ở Washington không đồng tình với việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. "Đó là một sai lầm với rất nhiều lý do, chủ yếu là cho dù Ukraina được trang bị vũ khí gì đi nữa thì cũng không giúp họ đánh bại được lực lượng do Nga hậu thuẫn. Đơn giản chỉ là sẽ không có đủ vũ khí để đánh bại lực lượng ly khai"- ông nói.
"Và lập luận về việc áp đặt thêm tổn hại đối với Nga, gửi nhiều thi thể binh sĩ hơn về nhà để cố gắng làm thay đổi tính toán của ông Putin, tôi cho như vậy là hiểu sai người Nga đến từ đâu. Tôi nghĩ điều này không chỉ càng tăng cường quyết tâm của Tổng thống Putin mà còn là cơ hội biến cuộc khủng hoảng Ukraina thành một cuộc chiến tự vệ của Nga chống lại hành động gây hấn của Mỹ. Đây là điều mãi mãi được lòng người dân Nga và họ sẵn sàng hy sinh vì điều đó”-ông nói.
Theo Rojansky, Nga sẵn sàng chấp nhận tổn thất nặng nề. Ông nhận định: "Quan niệm cho rằng có một mức thương vong trừu tượng nào đó và Nga sẽ cảm thấy không thể chấp nhận được. Đó là sai lầm tương tự mà các nước phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới luôn mắc phải, đó là chúng ta áp đặt những giá trị của mình lên họ”.
Chuyên gia về Nga này cho rằng nếu Washington cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, "nó sẽ mang tính hình thức và tượng trưng, nó sẽ đến ít và đến muộn, và sẽ không tài nào thay đổi cán cân quyền lực. Điều đó chỉ thể củng cố sức mạnh cho những lực lượng chính trị ở Kiev muốn tiếp tục chiến đấu”.
Trong một nỗ lực buộc Tổng thống Vladimir Putin thay đổi đường hướng, Washington và EU đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Moskva. Ông Rojansky cho rằng những biện pháp trừng phạt sẽ không "thay đổi hành vi của Putin và không thể làm suy yếu chế độ như những gì phương Tây mong muốn”.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes