Các tạp chí khoa học: Mặt trận mới trong tranh chấp Biển Đông
03 Tháng Tám 2020 6:41 CH GMT+7
Các học giả Trung Quốc đã xuất bản hàng chục bài viết đăng trên các tạp chí khoa học được quốc tế công nhận, có in bản đồ đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra để khẳng định các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông, một trung tâm nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ cảnh giác trong tháng này.

Trong một bài viết cho Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế-CSIS ngày 15/7/2020, nhà nghiên cứu Nguyễn Thuy Anh thuộc Viện nghiên cứu Biển Đông/Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng Trung Quốc không những tìm cách thay đổi hiện trạng tại hiện trường ở Biển Đông, mà còn tìm cách thay đổi nhận thức của thế giới về tuyên bố chủ quyền của họ.

Xuất hiện máy bay quân sự Trung Quốc tại đá Chữ Thập ở Biển Đông

Ảnh vệ tinh chụp Đá Chữ Thập do AMTI công bố hôm thứ Năm. (Photo Courtesy CSIS)

Đường 9 đoạn hình chữ U, còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, vạch ra một khu vực rộng lớn chiếm hầu hết diện tích Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải thuộc chủ quyền của họ.

Nhiều nước, một số có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines và các nước khác như Indonesia, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản … đều bác bỏ bản đồ đường 9 đoạn.

Quan trọng hơn, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên bản đồ đường 9 đoạn đã bị Tòa án Trọng tài Quốc tế tại La Haye bác bỏ vào tháng 7/2016 với phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện để phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Bất chấp phán quyết của Tòa án Quốc tế rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là bất hợp pháp, Trung Quốc trong mấy năm qua đã phát động một mặt trận mới nhằm thuyết phục thế giới thay đổi nhận thức và chấp nhận yêu sách chủ quyền của họ.

Chiến dịch tuyên truyền âm thầm đang tăng tốc

Chiến dịch này cổ vũ và phát tán rộng rãi bản đồ đường 9 đoạn ở mọi lúc mọi nơi, trên giấy thông hành, trên các quả cầu vẽ bản đồ thế giới, trên áo phông, trong phim ảnh và chương trình truyền hình, trong sách báo, trò chơi điện tử, trên quần áo, tờ rơi quảng cáo các địa điểm du lịch vv…

Ít được chú ý hơn là một chiến dịch đưa bản đồ đường 9 đoạn vào các tạp chí khoa học, hay các bài nghiên cứu có tính cách học thuật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thuy Anh mô tả đây là một chiến dịch nhằm “vũ khí hóa” các tạp chí khoa học.

Trong một cuộc khảo sát sơ khởi, nhà nghiên cứu đã phát hiện 260 bài viết khoa học có bản đồ đường 9 đoạn được đăng trên 20 tạp chí khoa học nổi tiếng, thường được tham khảo và trích dẫn.

Theo cuộc khảo sát này thì bản đồ đường 9 đoạn ít khi xuất hiện trước năm 2009, nhưng từ năm 2010 trở đi, bản đồ này xuất hiện ngày càng thường xuyên. Năm 2010, chỉ có 10 bài báo khoa học có in bản đồ đường lưỡi bò; năm 2018, số bài viết này tăng lên tới 60, rồi tới 90 nội trong 6 tháng đầu tiên của năm 2019. Xu hướng này tiếp tục trong năm 2020, và người ta thấy bản đồ đường 9 đoạn xuất hiện trên nhiều tạp chí khoa học, bàn về đủ mọi đề tài từ biến đổi khí hậu, thủy văn học, khảo cổ học, nông nghiệp, năng lượng sinh học, khoa học môi trường, quản lý chất thải cho tới y tế công…

Nhà nghiên cứu nói trong nhiều trường hợp, bản đồ đường 9 đoạn xuất hiện một cách vô tội vạ, không có liên hệ gì tới nội dung bài viết.

Mục tiêu của chiến dịch tuyên truyền Trung Quốc

Một bài viết của nhà báo Ralph Jennings của VOA về đề tài này hôm 27/7/20 nói rằng các tài liệu này thường nhắm vào giới sinh viên, nghiên cứu sinh, học giả tại các nước Ả rập, Châu Phi, hay ‘các nước thứ ba’ khác, thay vì giới tiêu thụ Tây phương bởi vì một sinh viên ở Châu Phi chẳng hạn, sẽ không thắc mắc và dễ dàng bỏ qua cái bản đồ đường 9 đoạn.

Giáo sư Jay Batongbacal, giảng dạy về các vấn đề hàng hải tại Đại học Philippines, nói đa số không để ý tới bản đồ 9 đoạn, vì không quen thuộc với tranh chấp Biển Đông và địa lý khu vực. Ông nói:

“Đó là lý do tại sao Trung Quốc làm điều đó. Đây là một nỗ lực tuyên truyền khôn khéo, mà Bắc Kinh sẽ sử dụng sau này để lập luận rằng bản đồ đường 9 đoạn được biết đến rộng rãi và được công nhận qua các bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.”

Lời cảnh giác đối với các nhà khoa học

Trang mạng Times Higher Education cảnh báo các nhà khoa học thể giới về nguy cơ có thể bị các đồng nghiệp Trung Quốc lợi dụng để âm thầm in thêm bản đồ đường 9 đoạn vào các bài nghiên cứu chung, giữa lúc họ chỉ tập trung vào lĩnh vực chuyên môn riêng nên không chú ý tới các vấn đề địa chính trị.

Times Higher Education nói rằng các bài viết của các nhà nghiên cứu Trung Quốc hợp tác với các đồng nghiệp phương Tây, thường bao gồm bản đồ đường 9 đoạn, bao trùm vùng biển từ miền Nam Trung Quốc và Đài Loan cho tới Borneo, trong đó có nhiều đảo, đá, thực thể, đang tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác, kể cả Việt Nam.

Times Higher Education cho biết họ tìm thấy 9 bài viết có in bản đồ đường 9 đoạn vào đầu năm 2018. Nội dung của tất cả 9 bài báo xoay quanh nhiều đề tài không ăn nhập gì với các vấn đề hàng hải hay tranh chấp Biển Đông: từ nghiên cứu về tre, bươm bướm hay thực vật ở Tây Tạng. 5 trong số 9 bài có đồng tác giả đến từ Úc, Đức, Scotland, Singapore và Hoa Kỳ. Các đồng tác giả nước ngoài, khi ghi tên vào cuộc nghiên cứu chung, vô tình hậu thuẫn các yêu sách của Bắc Kinh mà không hay biết vì không quen thuộc với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều học giả quốc tế chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc khuyên các đồng nghiệp hợp tác nghiên cứu với các tác giả Trung Quốc nên chú ý xem liệu bài nghiên cứu chung có in thêm bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc hay không, xét tòa án quốc tế cho bản đồ này là bất hợp pháp và không được công nhận.

Giáo sư Clive Hamilton, giảng dạy môn Đạo đức công tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, Úc, nói đây là một ví dụ về việc Bắc Kinh lợi dụng sự vô tình của các nhà khoa học để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình qua các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học.

Là người hay chỉ trích chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Giáo sư Hamilton cảnh giác các nhà khoa học khác về ý đồ của Trung Quốc:

“Một cường quốc kinh tế được cai trị bởi một một chế độ toàn trị đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước khác, muốn cộng đồng khoa học quốc tế hậu thuẫn các yêu sách chủ quyền của họ bằng cách in một bản đồ không được luật pháp quốc tế công nhận vào bài nghiên cứu chung.”

Một nhà di truyền học người Úc làm việc tại Nhật Bản nói các bản đồ vẽ đường 9 đoạn khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo, đá ở Biển Đông xuất hiện trong phân nửa các bài viết cảu các tác giả Trung Quốc. Ông nói số lượng các bài viết khoa học có in bản đồ lưỡi bò ngày càng tăng và xuất hiện thường hơn trong các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.”

Nhà động vật học Nancy Endersby của Đại học Melbourne, Úc, là đồng tác giả của một bài báo khoa học về Cells- Tế bào, viết chung với một nhà khoa học Trung Quốc, có in bản đồ 9 đoạn.

Bà nói:

“Nếu biết trước là họ chèn vào bài báo bản đồ đường 9 đoạn, và hiểu ý nghĩa của hành động đó, thì tôi đã không cho phép tên tôi được sử dụng trong bài báo. Tôi chỉ tập trung vào khía cạnh chuyên môn, và tin tưởng rằng tấm bản đồ đó là chính xác.”

Đồng tác giả Ary Hoffman nói:

“Bây giờ hiểu ra vấn đề rồi, chắc chắn chúng tôi sẽ cẩn thận hơn với các bài nghiên cứu trong tương lai. Trong tư cách là những nhà sinh vật học, đó là điều mà chúng tôi không hề nghĩ tới.”

https://www.voatiengviet.com/a/cac-tap-chi-khoa-hoc-mat-tran-moi-trong-tranh-chap-bien-dong/5522638.html

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.